Mấy hôm nay, trên các mặt báo tràn ngập thông tin về điểm chuẩn khối ngành sư phạm cao, có một số ngành sắp "đụng trần" khi mà thí sinh (TS) phải đạt hai điểm 10, môn còn lại phải là 9,3 điểm mới đỗ (như các ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử). Theo Bộ GD-ĐT, số nguyện vọng đăng ký vào các ngành sư phạm năm nay tăng 85%.
Những tin tức tốt lành này đến trong bối cảnh mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91, trong đó khẳng định "lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Vì thế, niềm vui của những người làm việc trong ngành sư phạm càng được cộng hưởng.
Theo các trường sư phạm, từ nhiều năm nay, đầu vào các ngành sư phạm đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. PGS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết ngoài điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm tăng cao, trường sư phạm còn là nơi được nhận nhiều TS đạt giải học sinh giỏi quốc gia, và cả TS đạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế đăng ký xét tuyển thẳng. Chẳng hạn, năm nay số TS đạt học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là hơn 300 em, khoảng 100 em đã xác nhận nhập học.
Theo nhiều nhà chuyên môn cũng như theo Bộ GD-ĐT, có nhiều nguyên nhân tác động tới sức hút của ngành sư phạm, nhưng nguyên nhân đáng kể nhất cần được nhắc đến là sự ra đời của Nghị định số 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, được Chính phủ ban hành ngày 25.9.2020 (gọi tắt Nghị định 116). Nghị định này áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.
Tại hội nghị tổng kết năm học của khối Giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức gần đây, Bộ GD-ĐT đã nhận định: "Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định, như số lượng TS và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ TS đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ TS nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác. Điều đó chứng tỏ các chính sách của Nghị định 116 đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục".
Dù vậy, cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT cũng nhận thấy Nghị định 116 vẫn còn nhiều chỗ vướng, cần được tháo gỡ.
Nhớ lại cách đây gần 25 năm, ngành sư phạm cũng tạo nên bước nhảy vọt về chất lượng tuyển sinh sau khi Nhà nước áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Về sau, khi chính sách này không còn hiệu quả thì chúng ta lại có Nghị định 116. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước luôn coi trọng chất lượng đào tạo người thầy, xem chất lượng người thầy là yếu tố quyết định chất lượng nền giáo dục, thể hiện qua việc trăn trở tìm kiếm chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng người thầy ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào.
Vì thế, Bộ GD-ĐT và những người làm công tác đào tạo sư phạm tin tưởng sẽ sớm tìm được giải pháp để việc triển khai Nghị định 116 ngày càng tốt hơn.
Bình luận (0)