Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ: Đạo Mẫu 'dệt' thần thánh từ anh hùng lịch sử

06/12/2016 06:01 GMT+7

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng đạo Mẫu có những vị thánh được “dệt” từ anh hùng trong lịch sử. Bằng cách đó, đạo Mẫu cũng thể hiện chủ nghĩa yêu nước.

Một trong những giá trị lớn của đạo Mẫu, theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, là thể hiện rất rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở chỗ trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cũng có cả những nhân vật trong lịch sử hóa thân thành các vị thánh như Trần Hưng Đạo hóa thành Đức Thánh Trần, Nguyễn Xí thành Ông Hoàng Mười, Lê Văn Duyệt thành vị quan có khả năng trừ tà ma…
Có thể thấy việc “dệt” (chữ dùng của GS Ngô Đức Thịnh) một nhân vật lịch sử thành một vị thánh của đạo Mẫu và ngược lại trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, ông Thịnh cho biết, ông Hoàng Đệ Nhất là một danh tướng của Lê Lợi. Ông Hoàng Lục lại là tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái. Ông Hoàng Mười lại là tướng Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời vua Lê Thái Tổ.
Những câu chuyện chuyển hóa nhân vật này thường được kể rất đẹp đẽ. Chẳng hạn, Nguyễn Xí có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh, cũng chính là quê mình. Ông được coi là đã chăm sóc cho người dân rất mực. Câu chuyện lịch sử là vậy. Khi trở thành truyền thuyết về ông Hoàng Mười, chuyện kể lúc ông mất, mọi người đang cử hành tang lễ thì trời quang đãng, thi thể ông hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ. Khi di quan, trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Gọi là ông Hoàng Mười, không chỉ vì thứ tự, mà còn vì ông đánh giặc giỏi mà văn cũng tài. Ông Hoàng Mười cũng được mô tả như một người văn hay, chữ tốt, giao du rộng và đa tình.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, các ông Hoàng trong đạo Mẫu thường đều là con trai Long Thần. Mặc dù vậy, theo khuynh hướng địa phương hóa thì các ông đều gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng, mở mang cho đất nước. Cũng do xu hướng địa phương hóa này mà có một số sai biệt trong điện thần và thờ cúng giữa đền Mẫu ở Nam bộ so với Bắc bộ, vì có thêm các vị thánh địa phương. Chẳng hạn, Lê Văn Duyệt được coi là một vị thánh hàng Quan, có vai trò trừ ma tà như Quan Tuần, Đức Thánh Trần ngoài Bắc.
Chính việc các vị thánh có “lý lịch nhập thế” với công lao gắn liền với lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc đã tạo cho đạo Mẫu thành một biểu tượng của lòng yêu nước mang đầy tính tâm linh. Cũng vì thế các vị thánh đó đều là các phúc thần, có thể xua đuổi tà ma, mang lại tài lộc sức khỏe cho con người.
Trần Hưng Đạo - Vị nhân thần nổi tiếng nhất
GS Ngô Đức Thịnh nói, vị thần có nguồn gốc anh hùng lịch sử nổi tiếng nhất, có vị trí cao nhất trong đạo Mẫu chính là Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo. Phủ của ông (Phủ Trần Triều) là một phủ thuần túy mang tính chất nhân thần. Vị nam thần này thường được quy về dòng Long Vương Bát Hải Đại Vương.
Về hàng bậc, có lúc ông được đồng nhất với Vua Cha trong đối sánh với Thần Mẹ. Ngày giỗ và lễ hội kèm theo của ông cũng đồng nhất với ngày giỗ cha “tháng tám giỗ cha” cùng với Bát Hải Đại Vương. Nơi thờ ông ở Kiếp Bạc, có hai ngọn núi xòe rộng ra ôm lấy thung lũng trước mặt ngôi đền là núi Nam Tào và Bắc Đẩu. Như vậy, trong tâm thức dân gian, nghiễm nhiên ông được coi như là Ngọc Hoàng, một Vua Cha cao hơn, trên cả Thánh Mẫu.
Tuy nhiên, theo GS Ngô Đức Thịnh, nếu các vị Vua Cha khác không giáng đồng, thì Đức Thánh Trần lại giáng đồng chuyên để trừ ma tà, cứu chữa con bệnh. Do đó, nó tạo nên hẳn một dòng lên đồng - Thanh đồng. Trong thứ tự giáng đồng của những người có căn Trần Triều thì thường sau khi Mẫu giáng, và trước các vị Thánh hàng Quan.
GS Trần Quốc Vượng đưa ý kiến trong cuốn Đạo Mẫu ở VN, thời nhà Trần, bên cạnh Phật giáo thì Đạo giáo khá thịnh hành. Nhiều người thuộc giới quý tộc, hoàng thân cũng là những đạo sĩ, tín đồ Đạo giáo, trong đó có Trần Hưng Đạo. Từ sau khi chiến thắng giặc Nguyên - Mông, được phong vương, ông quay trở về sống ở Kiếp Bạc, vui thú với cảnh sắc thiên nhiên, làm thuốc chữa bệnh cứu người. Huyền thoại về việc ông dùng ma thuật để trừ tà Phạm Nhan chỉ là sự lịch sử hóa, huyền thoại hóa một thực tế ông là thầy thuốc có tài chữa bệnh. Bởi vậy, sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, danh tiếng và uy tín của ông đã được huyền thoại hóa, khoác ra ngoài cái vỏ tín ngưỡng và lưu truyền mãi về sau, cho tận tới ngày nay.
Theo GS Thịnh, việc Trần Hưng Đạo trở thành một vị thánh trong điện thần Tứ phủ, thậm chí còn đồng nhất ông với Vua Cha trong đối sánh với Thánh Mẫu, cũng không khó hiểu. “Với tư cách là một vị tướng, một đạo sĩ của Đạo giáo, vốn gốc dòng họ gắn với miền sông nước vùng hạ lưu, lại lập những chiến công thủy chiến vang dội, ông dễ dàng được gắn thêm chiếc áo thần linh, quy về dòng thủy thần Long Vương, được thờ phụng cùng với Bát Hải Đại Vương, vị thần chuyên coi vùng sông nước và biển cả”, ông Thịnh phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.