Những ông đồng, bà đồng giàu có thường sắm riêng những bộ khác nhau. Bộ sang trọng chỉ dùng ở đền sở tại, trong các dịp lễ lớn. Các bộ khác dùng khi đi hành hương, hầu ở các đền thuộc địa phương khác. “Về nguyên tắc, mỗi giá đồng thờ một vị thần linh nào đó thì phải có một bộ trang phục riêng, không được dùng lẫn trang phục của các vị thánh khác. Nên trong một buổi hầu đồng, ông đồng hay bà đồng định hầu bao nhiêu giá thì phải chuẩn bị ngần đấy bộ trang phục”, ông Thịnh cho biết.
Tấm khăn hầu đồng hút năng lượng vũ trụ
Ông Thịnh cũng tiết lộ, với những người nông dân nghèo túng khi xưa, chỉ cần chiếc khăn phủ diện màu đỏ là đủ để hầu đồng. “Nhưng với tầng lớp thị dân, hình thức hầu đồng từ lâu đã được cung đình hóa thì trang phục trong hầu đồng thường rất hệ trọng, không thể thiếu”, ông nói.
Điều này cũng trùng hợp với kết quả nghiên cứu điền dã của TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Tôn giáo: “Theo trí nhớ của các đồng cao tuổi, trước đây trang phục trong lên đồng rất đơn giản và không bắt buộc. Chỉ có chiếc khăn phủ diện đỏ là không thể thiếu. Còn lại các giá thánh đều được biểu lộ bằng chiếc thắt lưng các màu. Nhiều đồng chỉ có bộ quần áo nâu mới với chiếc khăn phủ diện đỏ là được. Khá hơn nữa là có thêm bộ áo dài đỏ, hồng”.
Theo bà Mai, khăn phủ diện là tấm khăn choàng lớn, khi trùm lên người gần như che kín thân trên. “Khăn được sử dụng để phủ cho các đồng mỗi khi thánh thăng hay giáng. Khăn phủ diện luôn là màu đỏ và được sử dụng cho tất cả các giá trong hệ thống thần điện. Khăn thường được may hình chữ nhật. Trên nền khăn thêu nổi hai họa tiết phượng vờn hoa và lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh diềm khăn được may gắn dây kim tuyến hoặc đính đăng ten màu. Cũng có một dạng khăn khác hình vuông bằng the đỏ. Chính giữa khăn là đồ án rồng bay uốn khúc trong mây. Một số trang phục giá Mẫu hiện nay còn đính thêm ngọc tím, hoặc ngọc lục bảo vào chi tiết mắt phụng hoặc mắt rồng. Dưới ánh sáng, hiệu ứng của những viên ngọc này khiến trang phục trở nên sang trọng, lộng lẫy”.
Bà Mai phân tích, màu đỏ của khăn trùm được dùng với ý nghĩa là sự tái sinh. Các căn đồng nhờ nó mà có thể đón nhận được năng lượng của vũ trụ, thần linh. Trong lên đồng cổ thời khắc trùm khăn chính là thời khắc chuyển hóa người - thần.
Mốt trang phục hầu đồng thành thị
Tài liệu của nhà nhân học M.Durand về giai đoạn 1954 cho biết: “Để chứng tỏ là hồn đó hiện lên, ông đồng bà cốt mặc quần của hồn, nói lời của hồn và hành động như hồn hành động”. Các tư liệu khác cũng cho thấy cho đến những năm 1959, các căn đồng ở đô thị đã có những trang phục riêng để thực hành nghi lễ lên đồng.
Bà Mai cho biết, gần như trở thành một quy ước mỗi người thực hành nghi lễ lên đồng phải có tối thiểu 5 bộ quần áo với những màu sắc khác nhau để đại diện cho các giá như hàng Mẫu, hàng Quan, hàng ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu... Hiện nay theo mốt ở Hà Nội, một ông đồng có thể có từ 15 - 20 bộ khăn chầu áo ngự. Cá biệt có những đồng còn sắm đầy đủ trang phục cho 36 giá. Có những người không chỉ đủ trang phục cho cả 36 giá mà còn có cả loại dùng trong đại lễ và ngày thường. “Loại dùng trong dịp đại lễ thường được may bằng những chất liệu vải đắt tiền như nhung the hoặc satin cao cấp, gấm cao cấp. Những trang phục này thường thêu rất cầu kỳ tinh xảo bằng kim tuyến”, bà Mai nói.
Theo cuốn Nghi lễ lên đồng - lịch sử và giá trị của bà Mai, trang phục dùng trong nghi lễ lên đồng có thể không ổn định và không theo một quy luật nào về hoa văn và kiểu dáng trang phục. Tuy nhiên, màu sắc là yếu tố được coi là ổn định nhất. Tất cả những vị thánh thuộc phủ Thiên đều màu đỏ. Những vị thánh thuộc phủ Thượng Ngàn màu xanh. Phủ Thoải màu trắng. Phủ Địa màu vàng.
Trang phục hầu đồng mang yếu tố bản địa
Theo nghiên cứu của bà Mai, những giá thánh của địa phương có thể kéo theo trang phục có yếu tố bản địa. Chẳng hạn, Chầu Hòa Bình là người vùng cao nên trang phục của giá này là áo ngắn giống như áo ngắn của dân tộc Mường các tỉnh phía bắc. Chất liệu bằng satin màu trắng không thêu hoa văn 8 phượng mà chỉ viền nẹp cổ áo, tay áo và gấu áo bằng dây đăng ten kim tuyến. Hay, giá Chầu Lục sử dụng khăn của dân tộc thiểu số. “Phía đuôi khăn là hai hàng hoa tám cánh 11 bông, may bằng hình thức ghép vải màu. Đây là kỹ thuật của người Dao Tiền. Tiếp đến là hàng đồng tiền bạc và hạt nhựa xanh...”, bà Mai viết.
Trang sức trong hầu đồng cũng khá phong phú. Chẳng hạn dùng cho các giá hàng Chầu Bà gồm hoa tai, nhẫn xuyến, vòng cổ và những bộ xà tích. Khi các thánh bà múa đồng thì lục lạc, xà tích phát ra tiếng kêu vui tai. Cũng có thể thấy dấu ấn thời trang qua các thời kỳ trong trang phục hầu đồng. Chẳng hạn, theo bà Mai, khăn vấn tóc của các bà các cô Hà thành hồi năm 1902 được giữ qua chiếc khăn vấn đội đầu ở giá hàng Mẫu. Hay, chiếc yếm cổ dây của các bà các cô đồng bằng Bắc bộ màu hồng đào, hoa lý cũng được sử dụng linh hoạt trong các giá hàng Cô.
Bình luận (0)