Âm nhạc lôi cuốn mọi người đến với đạo mẫu
Ông Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, nói vị trí của nhóm nghệ sĩ dân gian trong những buổi hầu đồng bao giờ cũng khiêm tốn, kín đáo bên trái điện, đàn hát cho các ông bà đồng múa, phán xét khi thánh nhập. “Họ không lên đồng. Họ chỉ dùng nghệ thuật âm nhạc của mình tác động vào tinh thần của những người lên đồng. Nhờ họ, những người lên đồng được đẩy vào thế giới mộng mị, cảm thấy, nhận biết thánh đã nhập vào mình. Không chỉ thế, âm nhạc và lời ca còn làm cho ông/bà đồng, các con nhang đệ tử cùng các vị khách dự lễ hầu nhận biết vị thánh nào đang giáng, quyền năng của những vị thánh đó ra sao”, ông Loan cho biết.
Chính vì thế, theo ông Loan, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi nếu thiếu vắng âm nhạc chầu văn thì thánh có thể giáng xuống và nhập vào thân xác các ông bà đồng được không? Điều này gợi lại quan điểm của nhà nhân học Pháp Gilbert Rouget: “Trong shaman giáo, âm nhạc có vai trò giống như câu thần chú vì nó mở ra một thế giới vô hình và mang đến phép thuật”. Vì thế, ông Loan cho rằng người đọc thần chú mời thánh về chính là các cung văn. Cũng theo ông Loan, những câu thần chú hát văn đó có hai tác dụng. Một mặt nó làm hồn vía ông bà đồng xuất khỏi thân xác. Mặt kia nó giúp vị thánh giáng thể hiện quyền năng của mình thông qua hành vi của các ông/bà đồng. “Quá trình thể hiện hành vi ấy chỉ có thể diễn ra trong thời gian của những cung đàn câu văn mô tả chân dung và quyền năng của vị thánh giáng đồng”, ông Loan nhận định.
Ông Loan ví cung đàn câu văn của cung văn có lực tác động mạnh mẽ vào tinh thần của các ông/bà đồng, đẩy họ vào trạng thái hư ảo. Trong một tác phẩm của mình, ông Phan Kế Bính gọi đó là ốp đồng. “Bọn cung văn đánh trống gõ phách đọc bài văn sai để ốp đồng một lúc thì người ngồi đồng lảo đảo, tà ma nhập vào mình”, ông Phan Kế Bính đã viết.
Theo nghiên cứu của ông Loan, hát văn hát lên các bài ca về những vị thánh. Âm nhạc đưa đẩy những bài ca đó một cách tuyệt vời bằng tiết tấu sôi động, làm người ta dễ thăng hoa nên vô cùng hấp dẫn. Cũng nhờ tiết tấu này mà nhiều người bị lôi cuốn tham gia đạo Mẫu. “Có nhiều người không hiểu lắm về nội dung tín ngưỡng nhưng vẫn bị thuyết phục vì giá trị âm nhạc. Cái chàng cung văn hát tả cô ấy là gì, tài hoa thế nào bằng điệu hát hấp dẫn, nhịp phách rất lôi cuốn người ta”, ông Loan nói.
Theo ông Loan, nếu so sánh âm nhạc hát văn với quan họ, ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử... ta sẽ nhận thấy thế mạnh âm của tín ngưỡng Tứ phủ nghiêng chính là tiết tấu. Nó được bộ gõ thể hiện rất mạch lạc và lôi cuốn.
Hiếm hoi cung văn đúng nghĩa
Trong nghiên cứu về nghi lễ lên đồng, TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu tôn giáo) viết: “Cung văn hạng thường sử dụng cho những cuộc lễ quy mô nhỏ. Cung văn có danh hiệu (thường là nghệ sĩ có phẩm hàm) dành cho những canh hầu có quy mô lớn”.
Theo ông Đặng Hoành Loan, hiện tại tìm được một cung văn theo đúng nghĩa trước đây rất khó. Theo đó, một cung văn giỏi phải làm được một lúc ba việc: vừa là nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ, vừa ca hát, lại vừa sáng tác lời ca. Khi sáng tác, họ vận dụng rất uyển chuyển các thể thơ quen thuộc như lục bát, song thất lục bát... Họ cũng kết hợp thêm cả những hình thức khác như thơ Đường luật, thể Phú, thơ Hát nói, thơ 4, 5 chữ vào trong một bản văn. Nhờ đó, bản văn có thể thay đổi tiết tấu để phù hợp thời lượng, cũng như mô tả sâu sắc chân dung vị thánh giáng đồng.
“Học làm cung văn cực kỳ khó. Yêu cầu vừa hát vừa đàn giỏi cùng là hiếm thấy trong nghệ thuật dân gian trên thế giới nhưng cung văn cần phải thế. Hiện nay hát văn phát triển mạnh quá, nóng quá nên rất nhiều người không biết đàn, chỉ biết hát”, ông Loan nhận xét.
Chưa kể, theo ông Loan, hiện nhiều cung văn trẻ rất mạnh dạn bổ sung các nhạc cụ “ngoài dòng” như: sáo bầu của người H’Mông, đàn phím (keyboard) điện tử, đàn bầu điện tử; cũng như các điệu dân ca của nhiều vùng và thậm chí một số sáng tác mới cũng đã được các nghệ sĩ cung văn áp dụng trong các buổi hầu đồng. Những sáng tạo, đổi mới này cần phải qua quá trình theo dõi mới có thể nhận xét phù hợp hay không.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đưa ý kiến, hiện có rất nhiều cung văn chất lượng kém. Điều đó đi song song với sự suy thoái chất lượng và trình độ thưởng thức nghệ thuật của các ông đồng bà đồng. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Hiền, cần thiết phải mở lớp tập huấn bắt buộc cho các cung văn hiện đang hành nghề. Nhà nước cần đầu tư để mời các cung văn bậc thầy tham gia truyền dạy. Hiện tại, lượng cung văn như vậy không còn nhiều, cơ hội đào tạo do đó cũng ngày một hẹp lại.
Bình luận (0)