Tin nhắn rác khủng bố người dùng

17/11/2015 05:43 GMT+7

Bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý từ cuối năm 2014 đến nay với hàng chục cuộc họp cùng nhà mạng, tình trạng tin nhắn rác vẫn lan tràn và ngày càng gia tăng.

Bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý từ cuối năm 2014 đến nay với hàng chục cuộc họp cùng nhà mạng, tình trạng tin nhắn rác vẫn lan tràn và ngày càng gia tăng.

Người dùng bị khủng bố bằng tin nhắn rác - Ảnh: D.Đ.MNgười dùng bị khủng bố bằng tin nhắn rác - Ảnh: D.Đ.M
Qua cuộc phỏng vấn nhanh của người viết với 10 người đang sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ), tất cả đều than hằng ngày phải nhận tin nhắn rác, ít thì khoảng 10 tin, thậm chí có người nhận 15 - 20 tin.
Nửa đêm bị dựng dậy vì tin rác
Chị Hồng (ngụ Q.3, TP.HCM) bức xúc: “Nhiều hôm, giữa đêm đang ngủ giật mình vì có tin nhắn. Sợ cơ quan có việc gì gấp hay người thân ở quê nhắn nên phải ngồi dậy mở điện thoại xem. Ai ngờ là tin nhắn bán sim. Bực mình đến nỗi không ngủ lại được”. Còn anh Nam (ngụ Q.1) cho biết từ khi sử dụng chương trình Zalo và Viber thì tin nhắn rác tới tấp gửi đến, gấp đôi trước đó. “Có hôm điện thoại hết pin, đến khi sạc và mở máy ra tôi đếm thử có 15 tin nhắn mới mà toàn bộ là tin rác, nhiều nhất là tin chào bán bất động sản”, anh Nam kể.
Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, nếu nhà mạng lơ là thì cơ quan quản lý nhà nước nên đưa ra quy định chi tiết và buộc nhà mạng phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chẳng hạn cấm nhà mạng khuyến mãi tin nhắn, áp dụng biểu phí giá cước lũy tiến đối với dịch vụ sử dụng số lượng tin nhắn lớn cùng lúc như dưới 10 tin thì giá 100 đồng/tin nhưng trên 50 tin nhắn hay 100 tin nhắn trở lên thì giá cước sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba…
Theo thống kê của Công ty an ninh mạng BKAV, 6 tháng đầu năm 2015, tình hình phát tán tin nhắn rác ở VN không hề suy giảm mà tiếp tục gia tăng. Số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, tăng hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014. Ngoài các nội dung quen thuộc như làm quen, kết bạn, kết quả xổ số… tin nhắn rác có nội dung về nhà đất, bất động sản tăng cao.
Còn theo một thống kê khác của Bkav, khoảng 90% người dùng ĐTDĐ thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày. Ngoài tin quảng cáo còn có cả tin nhắn lừa đảo như mời người dùng soạn tin theo cú pháp được hướng dẫn, rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí, khi người dùng nhắn tin theo, tài khoản sẽ bị trừ tiền; mạo danh người thân nhờ nạp thẻ, soạn tin trúng thưởng hoặc nghe nhạc chờ...
Nhà mạng bỏ túi tiền tỉ mỗi ngày
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Công ty BKAV, lượng tin nhắn rác gia tăng có thể do nhu cầu quảng cáo các dịch vụ nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, chi phí cho việc quảng cáo qua tin nhắn rẻ hơn so với nhiều hình thức khác nên các công ty vẫn làm, dù biết là bất hợp pháp. “Việc sử dụng các phần mềm lọc tin nhắn rác, chặn spam… chỉ là chặn đầu cuối và khó triệt để.
Chỉ khi nào các nhà mạng chặn ngay từ tổng đài thì mới triệt để và áp dụng đồng loạt cho các khách hàng. Giải pháp để chặn tin nhắn rác từ nhà mạng là hoàn toàn thực hiện được, và đây mới là giải pháp tối ưu. Mức độ và tỷ lệ sàng lọc thành công sẽ phụ thuộc vào nội dung, các tình huống đặt ra trong chương trình phần mềm. Điều quan trọng nhất là nhà mạng có chịu hy sinh để bảo vệ quyền lợi người dùng hay không? Bởi dường như hiện nay lợi ích của nhà mạng lại đi ngược với lợi ích của người dùng thông qua vấn đề tin nhắn rác này”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cho rằng người dùng tự lọc tin nhắn rác thường không hiệu quả. “Về mặt kỹ thuật như lọc theo nội dung tin nhắn, lọc theo số lượng thuê bao được gửi đi một lần… hoặc một thuê bao muốn gửi cho vài chục đến hàng trăm số khác thì phải đăng ký với nhà mạng. Vì vậy, muốn lọc tin nhắn thì phải có phân loại và việc này chỉ nhà mạng làm mới được. Nhưng với tình trạng tin nhắn “bom” người dùng liên tục hiện nay thì nhà mạng dường như vẫn còn thờ ơ”, ông Vũ phân tích.
Theo các chuyên gia, việc nhà mạng không chặn tin rác vì họ có thể thu được tiền từ các công ty kinh doanh đầu số với tỷ lệ từ 50 - 60%. Giá một tin nhắn SMS từ 200 đồng - 290 đồng, với 13,9 triệu tin nhắn rác, mỗi ngày các nhà mạng chia nhau bỏ túi gần 2,8 tỉ đồng đến 4 tỉ đồng. Đó là chưa kể với các tin nhắn rác mời gọi nhắn tin đến các đầu số dịch vụ thu phí cao từ 5.000 đồng/tin nhắn đến 10.000 đồng, 15.000 đồng/tin nhắn… thì nhà mạng còn thu được nhiều. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dùng điện thoại ngày càng bị khủng bố bởi tin nhắn rác”, một chuyên gia nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.