Tin nhắn trong trường học, tốn tiền không đáng!

Bích Thanh
Bích Thanh
21/09/2018 08:31 GMT+7

Đầu năm học, mặc dù Bộ GD-ĐT yêu cầu hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động nhưng hầu như trường học nào cũng triển khai sổ liên lạc điện tử với mức phí khác nhau.

Không ép buộc nhưng phụ huynh đều… đăng ký!
Hiện nay chúng ta đã quá quen với việc tạo nhóm trao đổi qua các ứng dụng tin nhắn như: Messenger, Zalo, Viber, Skype… Tại sao các trường không tận dụng những tính năng này?
Phụ huynh Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Q.5, TP.HCM)
Vào đầu năm học, khá nhiều trường tiểu học và THCS tại TP.HCM phát phiếu đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử (LLĐT) cho học sinh (HS). Phiếu đăng ký của một trường tiểu học có tiếng sử dụng dịch vụ của Công ty TNHH Đ.T, giới thiệu sổ LLĐT sẽ cung cấp các nội dung như: Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn về học tập, rèn luyện; Điểm kiểm tra, điểm học kỳ, điểm cuối năm và thông tin kết quả học tập; Các thông báo của lớp, trường như thời khóa biểu, thay đổi lịch học, lịch thi, lịch nghỉ tết và các hoạt động thi đua, ngoại khóa; Thông báo của ban giám hiệu và nhà trường...
Tùy vào việc lựa chọn hình thức sử dụng bằng tin nhắn điện thoại hay phần mềm cài đặt vào điện thoại, mức phí lần lượt là 470.000 đồng/năm hoặc 270.000 đồng/năm.
Một phụ huynh HS lớp 9 ở Q.2, TP.HCM cung cấp cho Báo Thanh Niên phiếu đăng ký sổ LLĐT của nhà trường phát cho HS với nội dung bao gồm: họ tên HS, họ tên phụ huynh HS, số điện thoại đăng ký nhận tin. Hình thức thanh toán theo tháng là 50.000 đồng, từng học kỳ là 215.000 đồng hay cả năm là 430.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng là sử dụng sổ LLĐT nhưng giáo viên T.T.L đang dạy tiểu học tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết nhà trường triển khai dịch vụ này với mức phí 20.000 đồng/tháng/HS và nếu đóng cả năm là 180.000 đồng/HS. Theo giáo viên này, trung bình mỗi tháng giáo viên nhắn khoảng 5 tin thông báo tình hình học tập hay các hoạt động phong trào; nhưng có khi chỉ nhắn một tin thông báo tình hình học tập vì không có việc gì cần thiết.
Hầu như lãnh đạo các trường học đều cho biết không ép buộc phụ huynh, nếu có nhu cầu thì sử dụng. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hiện khảo sát “bỏ túi” với 10 phụ huynh tại Q.1, Q.2, Q.3, Q.Tân Phú thì kết quả những phụ huynh này đều chung một tâm lý: “Cho dù đăng ký nhưng không thấy thoải mái lắm vì hằng ngày chỉ thấy là những tin nhắn như kiểu báo bài mai học gì và nhắn HS phải mang sách vở… Nhưng không dùng thì lại lo, không biết cả lớp các bạn đăng ký, còn mình thì không, có bị ảnh hưởng?”. Có phụ huynh lại lo, nếu con không đăng ký mà cả lớp cùng thực hiện thì con nhận thông tin thế nào? Có giáo viên “bỏ nhỏ”: “Có mấy chục ngàn đồng/tháng bằng tô phở, ly nước, thôi đăng ký đại cho con đi”.
Sao không sử dụng các phương tiện công nghệ miễn phí?
Một phụ huynh nhìn nhận dịch vụ này giúp phụ huynh nắm lịch học tập của con em nhằm theo sát, nhắc nhở các cháu. Tuy vậy, phụ huynh này băn khoăn: “Với chi phí 50.000 đồng/tháng, tính ra trung bình 2.500 đồng/tin nhắn như vậy là quá cao. Nếu riêng lẻ từng HS thì không thấy ấn tượng nhưng trong một trường với hàng ngàn HS thì con số lợi nhuận lớn chứ không nhỏ nữa”.
Tương tự, phụ huynh Nguyễn Thị Lưu (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nói rằng: “Mức giá đó nếu thực sự cần thiết thì không phụ huynh nào tiếc cả. Nhưng đăng ký dùng rồi mới thấy hằng ngày nhận được những tin có nội dung như thông báo ngày mai học môn gì, nhắc HS đem sách gì. Trong khi đó, ở sổ báo bài con tôi cũng ghi những nội dung y chang và tối nào các cháu cũng học bài, soạn sách vở theo thời khóa biểu rồi”.
Đồng tình với ý kiến của phụ huynh, giáo viên T.T.L (Q.Tân Phú) cũng nói rằng việc nhắn tin hằng ngày là không cần thiết vì học trò đã có sổ báo bài và thời khóa biểu. Nếu có chỉ nên báo kết quả học tập và những lưu ý đột xuất khi không có cách nào liên lạc nhanh hơn.
Phụ huynh Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Q.5) nêu ý kiến: “Sổ LLĐT không phải là phương tiện duy nhất để cung cấp những thông tin như các nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu. Với thời đại phát triển về công nghệ thông tin thì rất nhiều hình thức cung cấp miễn phí trên nền tảng internet. Hiện nay chúng ta đã quá quen với việc tạo nhóm trao đổi qua các ứng dụng tin nhắn như: Messenger, Zalo, Viber, Skype… Tại sao các trường không tận dụng những tính năng này để hạn chế các khoản thu phí dịch vụ không cần thiết?”.
Bộ GD-ĐT yêu cầu hạn chế nhắn tin thu phí qua điện thoại
Ngày 10.9, Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2018 - 2019, chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể các trường học phải tiếp tục duy trì và triển khai bổ sung các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt các dịch vụ công phục vụ phụ huynh, học sinh. Trong đó, Bộ quy định các trường cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện qua tin nhắn OTT, email và website trường học, hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.