Phiếu tín nhiệm cần được lấy 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên có hai mức "tín nhiệm" hoặc "không tín nhiệm".
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" - Ảnh: Ngọc Thắng |
“Cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại”
|
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), chỉ nên lấy tín nhiệm theo hai mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". “Tôi không thể nào thông suốt được với lời giải thích để ba mức là thể hiện tính thận trọng. Thận trọng là do mỗi chúng ta. Tại sao lại phải phụ thuộc 3 mức là thận trọng còn 2 mức là không thận trọng?”, ĐB Cương bày tỏ.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: NQ 35 đang được thực hiện nhưng đột nhiên dừng lại mà không rõ nguyên nhân. “Gần 500 ĐBQH nhận được một bức thư của Chủ tịch QH nhưng cũng không rõ lý do của việc dừng lại này. Các ĐBQH chưa thể hiện ý chí nhưng đã có quyết định sửa là không đúng. Đề nghị cần rút kinh nghiệm qua việc này”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.
Cũng theo ĐB Thuyền, dự thảo cho thấy “cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại”. “Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhân dân rất khen ngợi đây là bước tiến của QH, thể hiện quan điểm của QH để đánh giá cán bộ nhưng lại bỏ cái đó. Còn 3 mức nhân dân rất chê thì giữ lại. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, họ bảo các ông là ĐBQH sao lại dốt thế?”, ông Thuyền nói.
Theo ĐB Thuyền, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên lấy hai mức là "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". “Nếu mức tín nhiệm thấp trong khoảng 50% thì cũng cần cho người lấy phiếu có thời gian sửa chữa, điều chỉnh vì lấy phiếu là để thăm dò. Còn nếu tín nhiệm thấp trên 75% thì đồng ý cho họ từ chức nếu tự nguyện hoặc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm ngay”, ĐB Thuyền nói.
“Tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm”
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), thực chất việc bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh mà quan trọng hơn là thôi thúc người có trách nhiệm cống hiến nhiều hơn nữa. ĐB Đương cũng đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Sau khi có kết quả, lấy định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp. “Nếu bỏ theo phương án 3 mức thì một người 50% cao, 50% thấp thì đánh giá cán bộ như thế nào? Như vậy là phân tán phiếu dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế”, ĐB Đương nói.
|
ĐB Đương cũng đề nghị QH cần phải có phiếu thăm dò về việc duy trì 3 mức tín nhiệm hay 2 mức, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ hay 2 lần/nhiệm kỳ và “mỗi phương án đều phải có 2 phương án để đại biểu QH bấm nút khách quan”.
Không đồng tình với thời gian lấy tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ như dự thảo, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt câu hỏi: Mới cách đây một năm Thường vụ QH đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/năm và cho rằng đó là thời gian hợp lý. Các ĐBQH cũng biểu quyết là hợp lý. Sau một năm, đồng ý là cũng cần có xem xét điều chỉnh, nhưng với mức 1 lần/nhiệm kỳ 5 năm thì chưa thuyết phục. “Ở nước ngoài, với cương vị tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm, đánh giá rồi”, ĐB Khanh nói.
Nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là giám đốc, lãnh đạo các sở, ngành ở địa phương liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân, là quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Theo ĐB Nam, đây là góp ý của nhiều cử tri nhưng chưa được tiếp thu, chú trọng. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng các chức danh này đều thuộc nhóm đối tượng giám sát của QH, HĐND nên cần đưa vào để các cơ quan quyền lực thực hiện đầy đủ chức năng giám sát của mình.
ĐB Khanh cũng đề xuất có thể đưa thêm phương án vẫn giữ 3 mức nhưng thay là “tín nhiệm, không tín nhiệm, không có ý kiến”. Trong trường hợp nếu có ĐB chưa hiểu rõ về một bộ trưởng hoặc một chủ nhiệm ủy ban nào đó thì ĐB có thể không đánh giá. |
Trường Sơn
>> Nhiều ĐBQH đề nghị chỉ nên để 2 mức tín nhiệm khi lấy phiếu
>> Vẫn giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm tại Quốc hội
>> Nếu dừng hẳn lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi
Bình luận (0)