Tin tức giáo dục đặc biệt 21.9: La liệt khoản thu đầu năm học

20/09/2022 22:54 GMT+7

Dù ngành giáo dục đề ra quy định về thu chi nhưng năm nào cũng vậy cứ đầu năm học là nổi lên câu chuyện lạm thu. Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (21.9) sẽ tập trung vào vấn đề này.

Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (21.9) còn nêu những khó khăn trong việc dạy các môn tích hợp, đặc biệt là chưa có giáo viên đào tạo chính quy; Lời khuyên cho các thí sinh xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Dù đã có quy định về những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu và không được phép thu nhưng nhiều ban đại diện vẫn đề ra la liệt các khoản thu khiến chính phụ huynh bức xúc.

Đầu năm học, phụ huynh có nhiều khoản phải chi cho con đến trường

đào ngọc thạch

Tổng quỹ phụ huynh lên đến hàng tỉ đồng

Theo Thông tư 55 về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT, những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu gồm những khoản không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh… Nhưng trên thực tế nhiều trường học, kể cả các trường tư dù thu học phí rất cao, cũng có những khoản thu vô lý gây bức xúc cho phụ huynh.

Chẳng hạn phụ huynh một trường tư ở Hà Nội bức xúc cho biết ban đại diện cha mẹ học sinh của trường này đề ra mức thu quỹ riêng học kỳ 1, mỗi học sinh phải đóng 700.000 đồng quỹ phụ huynh trường… Trường này dự kiến thu tổng quỹ phụ huynh của trường lên tới hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó chủ yếu chi cho việc lễ tết, hiếu hỉ.

Một trường tư khác cũng ở Hà Nội trung bình một năm học, ngoài học phí, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng…

Bài ghi nhận câu chuyện lạm thu đầu năm học sẽ tiếp tục được phản ảnh trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (21.9).

Học sinh lớp 6 bước vào năm học mới. Đây là khối lớp sẽ học môn tích hợp

nhật thịnh

Khi giáo viên sợ học sinh đặt câu hỏi

Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào sáng nay (20.9), lãnh đạo 2 trường ĐH có đào tạo mã ngành giáo viên các môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử-địa lý cho biết dù đã thực hiện chương trình mới ở bậc THCS đến năm thứ 2 với các môn học tích hợp nhưng phải hết năm học 2022-2023 thì giáo sinh môn học này mới ra trường và tham gia vào giảng dạy.

Việc thiếu giáo viên cho các môn tích hợp là vấn đề đáng lo ngại đến mức trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày 14.9, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp chỉ ra một thực tế giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc THCS thường trong tình trạng mong học sinh đừng đặt câu hỏi quá hóc búa. Vì thực tế hiện nay giáo viên không được đào tạo để dạy tích hợp mà đều từ các môn riêng lẻ, qua tập huấn để dạy tích hợp.

Những khó khăn và hướng giải quyết cho vấn đề này sẽ tiếp tục được thông tin trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (21.9).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.