Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (9.6) còn nêu lên một xu hướng dạy học mới môn văn khi người dạy tận dụng các nền tảng của mạng xã hội.
Sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
ngọc thắng |
Chú trọng khâu ra đề, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm đến khâu kiểm tra, giám sát, tăng cường các biện pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khâu liên quan đến đề thi, chấm thi và tất cả các vấn đề liên quan an toàn, bảo mật, trật tự của kỳ thi.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều khâu của kỳ thi. Phía Bộ Công an cũng cho biết nhiều thí sinh cố tình vi phạm thường sử dụng camera dạng cúc áo và điện thoại chính là thiết bị trung gian được sử dụng để đối tượng bên ngoài điều khiển, kết nối với thí sinh thực hiện hành vi vi phạm. Qua rà soát trên thị trường, có các thiết bị phát sóng cơ bản trong khoảng từ 20 - 25 m.
Thực tế này khiến năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra quy định gì nhằm chống tiêu cực, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT? Tin tức giáo dục đặc biệt trong báo in Thanh Niên ngày mai (9.6) sẽ cung cấp thông tin này.
Một cách mới tiếp cận văn chương
Có rất nhiều hội nhóm cùng sở thích về văn chương, học văn lập ra các trang fanpage trên Facebook |
chụp màn hình |
Hiện có rất nhiều hội nhóm cùng sở thích về văn chương lập ra các trang fanpage trên Facebook. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân là giáo viên, cựu học sinh từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia... cũng lập kênh chuyển tải nội dung về học văn thông qua các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram, YouTube.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Sở dĩ những kênh này thu hút học sinh vì nội dung ngắn gọn, không khiến cho học sinh nặng nề, áp lực như khi học trong lớp. Hơn thế, cảm giác vừa học vừa chơi khi lướt TikTok, lướt Instagram cùng với khả năng tương tác trực tiếp và nhanh chóng cũng là một lợi thế của hình thức dạy và học này”.
Tuy nhiên, học qua các ứng dụng của mạng xã hội, học sinh cần lưu ý điều gì? Những lời khuyên về vấn đề này sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (9.6).
Bình luận (0)