Trên báo in Thanh Niên ngày mai 1.7.2020 còn có các tin tức giáo dục đặc biệt được nhiều người quan tâm: Bộ GD-ĐT nói gì về ngày tựu trường, khai giảng, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới, hệ thống trường chuyên…?
Những thay đổi nào đáng quan tâm trong luật Giáo dục 2019?
Từ ngày 1.7, luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi quan trọng liên quan trực tiếp tới đội ngũ nhà giáo và học sinh.
Đó là chuẩn hóa hóa giáo viên từng cấp học. Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên…
Cách tính lương của giáo viên cũng sẽ thay đổi rất lớn. Theo luật mới thì giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên như quy định trước mà được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Nếu như luật Giáo dục 2005 quy định cả nước thực hiện thống nhất 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa thì luật Giáo dục 2019 thay đổi, theo hướng dù vẫn thực hiện thống nhất 1 chương trình nhưng mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa.
Gần 2 thập niên thực miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm để khuyến khích học sinh giỏi trở thành giáo viên, luật Giáo dục 2019 sẽ dừng chế độ này nhưng hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên trong toàn khóa học. Nhưng người được hỗ trợ sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Ngoài việc miễn học phí cho học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập và trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; luật Giáo dục 2019 còn đưa ra quy định về lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định nêu trên và học sinh THCS.
Những thay đổi này ảnh hưởng đến người dạy, người học thế nào sẽ có trong bài thông tin, phân tích tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (1.7).
|
Không tổ chức tựu trường để dạy học trước ngày khai giảng 5.9
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 30.6, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021. Trong nội dung dự thảo, Bộ vẫn tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9, nhưng sẽ quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung để chuẩn bị cho khai giảng sớm nhất là 1.9. "Nếu phát hiện trường nào dạy học trước ngày khai giảng, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu địa phương có biện pháp xử lý", ông Nam nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện này, Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc của phóng viên xung quanh các vấn đề dư luận đang quan tâm: Có hay không sự can thiệp vào việc chọn sách giáo khoa của các trường? Xung quanh những ồn ào, tranh cãi về mô hình trường chuyên thời gian gần đây.
Bộ GD-ĐT giải đáp những băn khoăn này của dư luận thế nào? Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tin tức giáo dục đặc biệt trên Thanh Niên ngày mai.
Bình luận (0)