Theo tường thuật của báo The Wall Street Journal ngày 15.10, Mỹ và một số đồng minh đang đề nghị Qatar sử dụng các mối liên hệ của mình bên trong Hamas, với hy vọng có thể xác nhận tên tuổi cũng như tình trạng của hơn 150 người từ khoảng 30 quốc gia đã mất tích trong 9 ngày qua.
Các nhà ngoại giao và quan chức tình báo ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được vô số đề nghị từ các chính phủ ở xa tận Mỹ Latin. Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự tới Ai Cập, quốc gia duy nhất ngoài Israel có biên giới chung trên bộ với Gaza.
Phụ thuộc trung gian
Nhiều quốc gia liên quan coi Hamas là tổ chức khủng bố, trong khi những quốc gia khác hạn chế về hiện diện ngoại giao tại khu vực. Điều đó khiến họ phụ thuộc vào các chính phủ vẫn duy trì các kênh ngoại giao với Hamas; chủ yếu là Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
"Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phương Tây, đang liên lạc với Ankara. Họ muốn chúng tôi truyền gửi thông điệp một cách bí mật", một quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Hơn một tuần sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào miền nam Israel hôm 7.10, ước tính về số lượng người bị bắt cóc vẫn thay đổi từng ngày và số quốc gia liên quan tiếp tục là vấn đề tranh cãi. Hầu hết các con tin có thể có hai quốc tịch, trong đó có Israel. Một số người được cho là bị bắt cóc sau đó đã được xác định nằm trong số những người thiệt mạng.
Xem nhanh: Israel chờ "đèn xanh" tấn công Gaza; Ukraine lâm nguy vùng đông bắc
Danh sách sơ bộ do Bộ Ngoại giao Israel công bố cho thấy quy mô và sự hỗn loạn của cuộc khủng hoảng con tin. Công dân của ít nhất 31 quốc gia đang mất tích, một số từ các quốc gia xa xôi ít liên quan đến xung đột đan xen ở Trung Đông, như Paraguay, Nam Phi hoặc Thái Lan. Bulgaria không có tên trong danh sách nhưng chính phủ nước này nghi ngờ ít nhất một công dân đã bị bắt cóc. Brazil có trong danh sách nhưng chưa thể xác nhận liệu công dân của họ có bị bắt cóc hay không.
Các con tin đang bị Hamas giam giữ ở nhiều địa điểm khác nhau. Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cũng cho biết họ đã bắt giữ 30 con tin, nhưng quân đội Israel chưa xác nhận tuyên bố này.
Thách thức bủa vây
Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, Israel, Mỹ và châu Âu tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng con tin, nỗ lực đa quốc gia này đang bị lu mờ bởi các cuộc không kích hàng ngày và viễn cảnh Israel tiến hành tấn công trên bộ ở Gaza.
Các cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới và các đồng minh ở Trung Đông của họ đã phải vật lộn để tiếp cận những kẻ bắt giữ con tin, nhiều người trong số đó đang ẩn náu trong hệ thống đường hầm ở Gaza, dường như nằm ngoài tầm phủ sóng của điện thoại di động.
"Họ đã vứt điện thoại di động và không thể liên lạc được với bất kỳ ai trong số họ... Mọi quốc gia có liên hệ với Hamas đều đã thử", một quan chức Ai Cập cho biết.
Cuối tuần qua, các quan chức Israel cho biết họ sẽ không tham gia đàm phán về vấn đề con tin với Hamas. Tuy nhiên, bình luận với truyền thông Israel, cựu giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, Yossi Cohen, cho rằng đến một lúc nào đó các tay súng Hamas sẽ hết nước, thực phẩm và oxy trong hầm trú ẩn và đó có thể sẽ là thời điểm họ quyết định thả con tin.
Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều có quan hệ nhiều năm với Hamas, nhưng không nước nào có được câu trả lời đầy đủ về tên và tình trạng của những người đang bị giữ làm con tin ở Gaza. Các lãnh đạo chính trị của Hamas tại Qatar không cho biết họ bắt bao nhiêu con tin, nhưng đã công khai đề nghị trao đổi những người bị bắt lấy các tay súng Palestine đang bị giam ở Israel và Mỹ. Trong các thông điệp gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Hamas cho biết họ sẽ không xem xét việc trao đổi con tin cho đến khi Israel ngừng ném bom, đồng thời thả hàng nghìn tù nhân.
Bình luận (0)