Cơ quan Tình báo Hàn Quốc bị chỉ trích do những phát biểu gây tranh cãi về bối cảnh qua đời của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il.
CHDCND Triều Tiên thông báo ông Kim từ trần do đau tim khi đang ngồi xe lửa đi thị sát tại một địa điểm không xác định ở ngoại ô Bình Nhưỡng vào ngày 17.12. Tuy nhiên, giới tình báo Hàn Quốc lại tỏ ra nghi ngờ về chuyện này.
Ông Kim không mất trên tàu?
Theo báo Chosun Ilbo, trong một phiên họp đặc biệt của Ủy ban Tình báo quốc hội Hàn Quốc ngày 21.12, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Won Sei-hoon tuyên bố chiếc xe lửa bọc thép của ông Kim không hề rời nhà ga Yongsong ở Bình Nhưỡng vào thời điểm ông qua đời. Theo đó, truyền thông quốc gia CHDCND Triều Tiên thông báo ông Kim từ trần lúc
8 giờ 30 phút ngày 17.12 (giờ địa phương) nhưng hình ảnh chụp từ vệ tinh của quân đội Mỹ cho thấy đoàn xe lửa vẫn nằm yên khi ấy. “Chúng tôi đã quan sát kỹ lưỡng đường đi nước bước của ông Kim cho đến ngày 15.12, nhưng không thể định vị ông từ ngày 16.12. Có nhiều dấu hiệu cho rằng ông đã định đi đâu đó nhưng chưa kịp đi thì đã qua đời”, tờ báo dẫn lời ông Won nói tại cuộc họp.
|
Tuy nhiên, cách lập luận của ông Won vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Ngày 22.12, Chủ tịch Ủy ban Tình báo quốc hội Hàn Quốc Kwon Young-se tuyên bố trên đài phát thanh rằng ông Won đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi khiêu khích miền Bắc trong thời điểm nhạy cảm này. Nghị sĩ Kwon không thuộc phe đối lập mà là thành viên đảng Đại dân tộc cầm quyền. “Người mình” còn như vậy thì dĩ nhiên phe đối lập không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích giới tình báo và an ninh của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak. Nghị sĩ Choi Jae-sung cáo buộc NIS đang “đùa cợt” với thông tin tình báo.
Giới quan sát cho rằng những lập luận của ông Won có thể là nỗ lực gỡ gạc thể diện của tình báo Hàn Quốc do họ không biết trước sự kiện ở miền Bắc. Theo Reuters, khi Tổng thống Lee khởi hành sang thăm Nhật Bản ngày 17.12, lãnh đạo Kim đã qua đời được khoảng 4 giờ đồng hồ. Điều này cho thấy không chỉ Hàn Quốc mà cả Nhật lẫn Mỹ đều chỉ biết việc ông Kim ra đi nhờ bản tin của truyền hình CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, tờ JoongAng Ilbo dẫn một nguồn tin giấu tên ở Bắc Kinh nói Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng đã có thông tin tình báo về việc ông Kim qua đời và báo cáo về nước ngay trong ngày 17.12.
Bất chấp những lời kêu gọi cách chức lãnh đạo tình báo, Tổng thống Lee Myung-bak ngày 22.12 tiếp tục bênh vực ông Won khi cho rằng nhiều nước cũng đã “ngỡ ngàng” với sự kiện này. Ông kêu gọi các bên hãy để việc xử lý những người chịu trách nhiệm cho chính quyền.
Suôn sẻ tại Bình Nhưỡng
Phía CHDCND Triều Tiên chưa có phản ứng chính thức với những thông tin nói trên, có lẽ vì đang trong giai đoạn quốc tang tưởng niệm nhà lãnh đạo Kim. AP ngày 22.12 dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc nhận định không khí tại Bình Nhưỡng rất u buồn nhưng tĩnh lặng. Từng đoàn người vẫn đứng giữa trời tuyết giá rét để bày tỏ tiếc thương. Chính quyền tăng cường an ninh tại một số địa điểm nhưng không có động thái bất thường hay tăng cường binh lính dọc biên giới liên Triều. Điều này chứng tỏ quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo cho đại tướng Kim Jong-un đang suôn sẻ. Tờ Los Angeles Times dẫn lời Lãnh sự Anh tại Bình Nhưỡng Barnaby Jones cho biết các đại diện ngoại giao nước ngoài ở CHDCND Triều Tiên đã nhận được bức điện mang lời chào từ Kim Jong-un, gián tiếp xác nhận vị tướng này hiện là người nắm quyền lãnh đạo.
Theo AFP, Mỹ bày tỏ hy vọng tiếp tục làm việc với CHDCND Triều Tiên sau khi hoàn tất tang lễ cho ông Kim, đồng thời xác nhận đã liên lạc qua điện thoại với chính quyền nước này.
“Vầng sáng đỏ” trên núi Baekdu Truyền thông CHDCND Triều Tiên ngày 22.12 cho hay “một cơn bão dữ dội đã tạm ngừng và một vầng sáng màu đỏ xuất hiện” trên núi Baekdu ở miền bắc nước này chỉ vài phút trước khi ông Kim qua đời. Ngoài ra, băng ở hồ núi lửa Chon trên núi “nứt toác kèm một tiếng nổ lớn”. Chưa hết, một con sếu bay quanh bức tượng của Chủ tịch Kim Nhật Thành “với dáng điệu ủ rũ” trước khi bay về hướng Bình Nhưỡng. Theo tiểu sử chính thức, ông Kim Jong-il chào đời trên núi Baekdu, một trong những địa điểm thiêng liêng nhất ở Triều Tiên. |
Trùng Quang
Bình luận (0)