Ông suy nghĩ, trăn trở, tham khảo, hỏi ý kiến mọi người, kể cả việc ông đi gặp dân, gặp người có chính kiến khác nhau vừa trao đổi, vừa thuyết phục và "đấu tranh quan điểm" để đi đến một số biện pháp thực thi cuối cùng. Một vấn đề rất khó khăn bởi nó liên quan đến toàn xã hội, nhưng lại quá mức đúng đắn, rất cần phải làm vì lợi ích và cả tính mạng của dân.
Tổng kết lại các báo cáo của các địa phương: Nguyên cái Tết Giáp Tuất 1994 đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, bị thương 765 người và tiêu tốn 20-30 tỉ đồng lúc bấy giờ, cả đồng chí Bí thư quận ủy quận 10 của TP.HCM trước đó cũng đã chết vì bệnh tim do không chịu nổi độ ngộp của khói pháo lúc giao thừa. Từ năm 1993, UBND TP.HCM đã có công văn gửi đến Thủ tướng đề nghị cấm sản xuất và đốt pháo nhưng không thể làm riêng lẻ ở một địa phương được, mà đề nghị ông trên cương vị Thủ tướng phải có một quyết định trên cả nước.
Từ lâu người ta đã thấy được tai hại nhiều mặt của việc sản xuất và đốt pháo, nhưng có một điều băn khoăn không nhỏ với Thủ tướng là hàng vạn lao động và hộ sản xuất pháo sẽ đi đâu, chuyển nghề nào để có thể sống mà không cần sản xuất pháo và còn cả những hộ từng thu nhập một phần vào việc buôn bán pháo. Cái gút mắc "đụng đến đời sống của người dân" luôn là bài toán khó đối với ông nhưng quyết tâm chuyển người dân ra một môi trường làm ăn khác để họ tiếp tục có một cuộc sống ổn định yên tâm, có thu nhập cũng là quyết tâm song hành của ông cùng với quyết tâm chấm dứt thói quen đốt pháo vào lúc giao thừa, lễ hội, cưới xin...
Ông yêu cầu chính quyền ở Hà Tây, nơi có làng pháo Bình Đà nổi tiếng, yêu cầu chính quyền TP.HCM và Quảng Nam - Đà Nẵng báo cáo thật kỹ để hiểu thật chu đáo về một việc rất hệ trọng là tìm một nghề mới đáp ứng được đời sống bà con thay cho sản xuất pháo. Khi ông xuống tận Bình Đà (Hà Tây) để cùng bàn với dân về từng phương án chuyển hướng sản xuất cho bà con và được bà con đồng tình ủng hộ, có lối ra ông mừng vô kể. Ông còn một nỗi trăn trở khác là phải tìm một tín hiệu gì thay cho tiếng pháo vào giây khắc giao thừa hoặc ông nghĩ sau khoảng 3 năm chấm dứt được pháo có thể phải dùng pháo hoa vào đêm giao thừa hoặc những lễ hội lớn quốc gia ở những nơi công cộng thay cho pháo nổ.
Tôi có dịp ngồi ở nhà ông vào mùng một Tết Ất Hợi, cái tết đầu tiên giao thừa không có pháo nổ, hôm đó có Chủ tịch quận 3 (TP.HCM) đến chúc tết nhà ông. Ông hỏi: "Giao thừa ở quận 3 không có tiếng pháo nào phải không?". Chủ tịch quận 3 báo với ông toàn quận không có tiếng pháo nào. Ông cười tươi. Ông nghĩ về một chủ trương đúng dù khó khăn đến mấy cũng được dân ủng hộ. Đó là một bài học cần phải học đi học lại nhiều lần. Cùng với những báo cáo điện về cho ông trên toàn quốc: việc không đốt pháo vào đêm giao thừa 1995 coi như được thực hiện có kết quả cao nhất. Chỉ có vài vụ vi phạm lẻ tẻ không đáng kể.
Cái vui của ông là dân ta luôn biết nhìn vào lợi ích lớn, lợi ích đất nước, trong đó có lợi ích chính đáng của họ. Khi họ hiểu ra như vậy thì bất luận điều gì cũng làm được. Đốt pháo vào đêm giao thừa là một tập quán đã quá sâu đậm đối với người dân Việt Nam, nó báo hiệu một thời khắc thiêng liêng của dân tộc, của tổ tiên tụ hội. Nó như một cành đào ở đất Bắc, cành mai của người dân phương Nam khi vào tết. Thiếu tiếng pháo trong đêm giao thừa đối với nhiều người như một sự mất mát về tinh thần, mất đi một âm thanh báo hiệu bước chuyển của thời gian. Chỉ có điều cái tập quán lâu đời đó nó mang lại thiệt hại quá nhiều cho sinh mạng con người, cho môi trường sống, sức khỏe con người và tiêu tốn quá nhiều tiền của mọi tầng lớp dân chúng. Thay đổi tập quán đó là cả một cuộc cách mạng. Phải giải thích minh bạch, thuyết phục và có đạo lý. Một quyết tâm cao đi kèm theo với một quyết định táo bạo và đầy tâm huyết đó phải xuất phát từ một con người có khả năng quyết đoán như ông: đồng chí Võ Văn Kiệt. Có lúc con người ta đã không dễ thay đổi một vị trí của một cái tủ trong phòng ở, không thể thuyết phục được một thành viên bé nhỏ trong gia đình khi đã phạm vào một cố tật nào đó. Thay đổi cả một tập quán hàng trăm, hàng nghìn đời thành gốc rễ ở một đất nước như nước ta dù sự đổi thay đó đầy đủ lý lẽ, đầy đủ trăn trở cũng không bao giờ là điều dễ dàng.
Ông nhớ lại, cách đây không lâu khi ông không còn giữ chức vụ gì trong Đảng và Nhà nước, ông đến thăm Bạc Liêu và Sóc Trăng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, dừng lại ở ranh giới 2 tỉnh, có mấy chị phụ nữ nông thôn chưa từng tiếp chuyện với ông bao giờ lại gần chào ông và đưa ra một đề nghị: Ông là Thủ tướng của dân, trước ông cấm được pháo, nay chị em tôi ông đề nghị ông cấm tiếp cái tật "rượu chè" của đám đàn ông xóm này, họ không làm ăn gì cứ rủ nhau đi nhậu. Ông cười và nói vui rằng: đây chắc đồ nhậu nhiều, các chị chắc làm món nhậu ngon nên các ông chồng mới nhậu dữ, tôi thôi làm thủ tướng rồi. Bị tố tại trận, Bạc Liêu nói đó là dân Sóc Trăng, còn lãnh đạo Sóc Trăng nói đó là dân Bạc Liêu.
Đối với ông, nếu tôi chỉ viết một bài báo hoặc một đoạn văn để nói về một quyết định rất quyết liệt trong những năm làm thủ tướng của ông như việc "cấm sản xuất, đốt pháo, nhất là vào đêm giao thừa" thì tôi nghĩ khó viết, và đối với tôi, tôi không thỏa mãn, dù quyết định đó của ông đã tạo ra một hiệu lực của quản lý Nhà nước rất lớn ở nước ta.
Đối với tôi, ông là bậc thầy về tấm gương nhiều mặt của đời sống, nhưng cái gương lớn nhất đối với tôi ở ông là một con người có một khát vọng sống, khát vọng cách mạng mạnh mẽ, quyết liệt đến mức mà khi ông đã vào tuổi 80, tôi vẫn thấy mình còn non kém và nhiều khi "mệt mỏi trước tuổi" trước những việc mà mình cho rằng có thể bất lực, khó vượt qua. Ông chiến đấu và lãnh đạo ở mảnh đất Nam Bộ qua suốt 2 cuộc chiến tranh ác liệt nhất, không một ngày ngơi nghỉ, chưa một lúc nào tôi thấy ông mỏi mệt với sự nghiệp mà ông đeo đuổi. Mỗi lần gặp trắc trở và những điều khó lý giải trong cuộc sống tôi lại gặp ông, được ông lý giải về việc này việc khác, về quan niệm sống của ông và những trải nghiệm trong đời sống của ông gần một thế kỷ đầy biến động mà ông gắn liền, chia sẻ và nhập cuộc với nó.
Tôi đã về tận cái làng nhỏ sinh ra ông, chú Sáu Dân, làng Trung Lương nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với cái tên Chín Hòa - Phan Văn Hòa của hơn 80 năm trước, khi những mái nhà và đồng ruộng hẹp độc canh cây lúa, đất tập trung hết trong tay điền chủ, hầu hết dân ở làng này đều thuê ruộng của chủ điền và làm ăn cơ cực. Cậu bé Chín Hòa ngày ấy đã sống một cuộc sống làm thuê từ tuổi 11, khổ sở trong cái vùng nông thôn cơ cực nhưng đầy xúc cảm, đầy những cảnh đời ngay thẳng và cả ngang trái để cho cậu bé Chín Hòa nung nấu, suy nghĩ, nhìn nhận bằng đôi mắt ở tuổi thiếu thời nhưng ẩn chứa khát vọng lãng mạn cách mạng của một con người Võ Văn Kiệt sau này, đến khi Chín Hòa biết bàn "chuyện quốc sự" vào thời điểm bắt đầu của cuộc trường chinh của dân tộc chống lại các thế lực thực dân xâm phạm đất nước ông.
Tôi hiểu cốt cách của ông từ khi tôi chưa có dịp được gặp ông nhiều, đến khi tôi trở thành một đứa con cháu thân mật như trong gia đình, như một người đồng chí chia sẻ hoàn toàn những chuyện hằng ngày và cả những điều khó lý giải trong cuộc sống hòa bình. Sau giải phóng không ai quên hình ảnh ông với chiếc xẻng bên bờ kênh Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai đất phèn, đến suy nghĩ chia sẻ của ông với những tri thức lớn được đào tạo từ chế độ cũ, đến các linh mục, giám mục của đạo Công giáo và các tu sĩ Phật giáo cùng các chức sắc của các tôn giáo khác. Ông hiểu và tôn trọng họ. Có lúc Đức Tổng giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình xem ông như một người bạn có thể nói, tâm sự được với ông nhiều chuyện riêng tư, chuyện ông xử sự và đánh giá đúng mực với tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn là ông Dương Văn Minh sau giải phóng, khi ông cho rằng Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn trong đó có công của những trợ tá chung quanh và bản thân ông Minh.
Tôi biết ông học hành thực sự ở trường lớp không nhiều như những thế hệ chúng tôi sau này nhưng ông có những suy nghĩ, kiến thức, lòng tin vào một niềm hy vọng vào con người một cách kỳ lạ. Hồi thành phố mới giải phóng, có một kỹ sư hóa chuyên nghiên cứu để sản xuất ra thuốc nhuộm và một chuyên gia quản lý ngành dệt Sài Gòn. Người trí thức này rất say sưa đối với ngành dệt, ông ở lại hy vọng sẽ góp phần cho sản xuất mà ông am hiểu nhưng không vào nổi cơ chế của ta lúc bấy giờ. Ông vượt biên, bị bắt lại. Ông Võ Văn Kiệt thả về, ông trốn lần thứ hai, ông Võ Văn Kiệt đến Sở Công an thành phố gặp và dặn dò đừng trốn nữa nguy hiểm, tiếp tục giúp cho ngành dệt, nếu thấy không góp ý gì được xin đi ra ngoài ông sẽ giúp cho đi. Sau đó, người kỹ sư ấy báo cáo thật: "Anh Sáu à, tôi đã cố gắng lắm, tin vào sự chân thành và tâm huyết của anh, của cách mạng, mà thực tâm qua cách làm việc, tôi thấy nhiều khó khăn vướng mắc quá". Thế là người kỹ sư ấy được ra đi hợp pháp. Nhiều trí thức như vậy đã ở lại với ông, ở lại với cách mạng và đóng góp cho cách mạng. Có người lúc ấy đã ra đi, nhưng nay lại về đóng góp cùng đất nước. Ông thường nói với tôi: mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, những người ra đi, nhất là sau giải phóng miền Nam, không phải ai cũng là người không yêu nước.
Từ Nghị quyết của Đại hội IV, đại hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, hình ảnh của ông không chỉ có mặt tại các nông trường đại thủ công, ở những xóm nghèo lao động, ông có mặt ở thủy điện Trị An, ông có mặt ở các nhà máy đang bế tắc với những phương án sản xuất cũ không có hiệu quả. Ông bàn với giám đốc các nhà máy và ở luôn tại nhà máy Việt Thắng 3 ngày gặp đảng viên, thanh niên, cán bộ công đoàn tham khảo biện pháp tháo gỡ sản xuất, tận dụng phế liệu phế phẩm làm thêm phần kế hoạch 2 và 3 đem lại thu nhập bảo đảm lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và lợi ích của người lao động. Ông thường nói với các giám đốc dám đi tiên phong trong tháo gỡ, cởi trói: "Nếu các anh làm sao để đáp ứng được 3 lợi ích đó, đừng bỏ túi riêng thì các anh có gì khó khăn tôi nhận trách nhiệm thay cho các anh, có bị tù tôi đem cơm cho các anh".
Sau giải phóng, ông giữ cương vị Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM. Có lúc khi ông còn ở cương vị Thủ tướng, tôi hỏi thật ông: "Những công trình lớn như đường điện 500KV Bắc Nam, tôi lại nghe dư luận ầm ĩ rằng ông đã không hỏi ý kiến ai kể cả các nhà khoa học". Ông nói rành mạch: đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười thúc nách tôi hằng ngày. Tôi đã cho nghiên cứu và tập hợp nhiều nhà khoa học để hình thành công trình thế kỷ này. Bởi vì lúc đó một là phải bán điện cho Trung Quốc, hai là phải đưa điện vào miền Nam, để khi tất cả các công trình điện khác trên toàn quốc phát huy công suất thì ta có thể phân chia các nguồn điện hợp lý cho cả nước. Nhưng cái chính vẫn là khi ông đã coi việc đó là đúng đắn như là một mệnh lệnh rồi thì ông sẽ làm với một tinh thần tự nguyện và quyết tâm không ai lay chuyển nổi. Đường dây 500KV Bắc Nam bây giờ là một công trình mà ông đã để lại cho mai hậu, một dấu ấn sâu đậm về ông, về những dòng điện trải dài khắp nông thôn và tận miền núi của đất nước.
Một vấn đề khác với thời sự có liên quan đến lúc ông làm thủ tướng. Nhân vật xã hội đen Năm Cam đến tai ông qua nhiều dư luận nhưng chưa đủ căn cứ khi nhận được một báo cáo có đủ căn cứ của đồng chí Ba Long, quân báo của Bộ Tư lệnh thành phố: Năm Cam và băng đảng như một chính quyền đen song hành, uy hiếp đe dọa đến đời sống dân lành, đe dọa đời sống an ninh thành phố, ông trực tiếp lệnh bắt ngay Năm Cam và đồng bọn lần đầu vào năm 1995.
Ông nghỉ thủ tướng việc vẫn chưa xong, Năm Cam ra khỏi trại cải tạo và hoạt động mạnh hơn, quy mô hơn, được bao bọc bởi một lớp vỏ kín đáo hơn và Năm Cam được nhiều quan chức bảo kê hơn, giết người táo bạo và tinh vi hơn. Với cương vị cố vấn BCH T.Ư Đảng và một nhà lãnh đạo đi trước, ông đã trao đổi với lãnh đạo thành phố và cơ quan chức năng T.Ư, cần có phương án tóm gọn toàn bộ hệ thống tổ chức bọn xã hội đen... lần này dứt khoát không để lặp lại sai lầm lần đầu. Ông nói: hãy cắt bỏ dứt khoát ung nhọt thì cơ thể mới mạnh, đem lại lòng tin trong nhân dân, tăng thêm sức mạnh trị nước.
Mỗi ngày chú Sáu Dân luôn đứng ở vị thế của một con người với khát vọng luôn mới mẻ, đau với cái đau của những nỗi nhức nhối trong xã hội và vui với những niềm vui khi cái mới, cái tích cực thắng thế. Không lúc nào ông ngơi nghỉ dù rằng ông đã 80 tuổi, với một cuộc đời cống hiến đầy khát vọng, đầy trăn trở với dân với nước. Ông có quyền sống thanh thản nghỉ ngơi nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông dừng lại ở cái vườn hoa đa sắc và nhiều chim muông của sự hưởng thụ đáng lẽ phải được dành cho ông và những người vào tuổi ông đã có công lao lớn với đất nước.
Đó là cách sống của ông và quan niệm sống của ông. Tôi nghĩ là không bao giờ ông thay đổi được sự lựa chọn của một tính cách chú Sáu Dân.
Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 21/9/2003)
Bình luận (0)