Chúng tôi về xóm Khánh Trang, xã Nghi Xuân, H.Nghi Lộc, Nghệ An, tìm nhà vợ chồng ông Đinh Hồng Nam và bà Nguyễn Thị Nhàn. Trong căn nhà nhỏ đặt hai chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương, một của người bố Đinh Hồng Nam (71 tuổi) và một của người con Đinh Đại Dũng (43 tuổi).
Cô giáo Đinh Thị Huệ, em gái ông Đinh Hồng Nam, tâm sự: "Bây giờ tôi rối quá, không biết giãi bày như thế nào". Đưa chúng tôi xem quyết định của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cấp cho anh mình, nước mắt cô Huệ cứ tuôn theo lời kể về nỗi đau chồng chất của gia đình người anh. Trước năm 1975, ông Nam đi bộ đội ở chiến trường phía nam, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhàn, nhưng không biết mình bị nhiễm chất độc da cam.
Ông Nam và bà Nhàn sinh được 4 người con. Người con thứ 3 bị bệnh trầm cảm rồi mất năm 2014. Sau khi con mất, bà Nhàn quá sốc dẫn đến tai biến. Còn ông Nam thì đau ốm thường xuyên, sau đó phát hiện bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian tham gia kháng chiến dẫn đến ung thư phổi. Gia đình dồn hết tiền bạc và vay mượn thêm để ông Nam chữa trị nhưng ông không qua khỏi, mất ngày 2.9.2024.
Nỗi đau chồng nỗi đau, ông Nam vừa qua đời 16 ngày thì người con trai lớn chưa lập gia đình là Đinh Đại Dũng cũng mất. "Cháu đang bệnh dạ dày rất nặng, nhưng vẫn phải lo chăm sóc bố ung thư, mẹ tai biến. Sau khi bố cháu mất, bệnh cháu trở nặng bất ngờ gây xuất huyết dạ dày rồi đi theo bố luôn rồi", cô Huệ nghẹn ngào kể.
Chịu đựng 2 cái tang liên tiếp, căn bệnh tai biến của bà Nhàn trầm trọng hơn, phải đi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu, điều trị. Bệnh viện kết luận bà Nhàn bị thiếu máu, thiếu can xi và kali, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tụt tiểu cầu, xuất huyết não, trầm cảm.
Cô Huệ cho biết tình cảnh gia đình chị dâu mình hết sức ngặt nghèo. Hai người con còn lại của bà Nhàn đi làm công nhân, đồng lương quá eo hẹp cũng ráng dành dụm trả nợ ngân hàng và lo cho mẹ trị bệnh, nhưng chẳng thấm vào đâu. "Lên bệnh viện thăm, chị Nhàn cầm tay tôi nói thôi để chị chết theo chồng con luôn cho rồi, chứ sống trong cảnh mất mát, đau thương, bệnh tật và nghèo túng như ri thì quá khổ. Nghe chị nói như trối, tôi không cầm được nước mắt", cô Huệ thổ lộ.
Qua bài viết này, mong lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bà Nhàn vượt qua nỗi đau chồng chất và bệnh tật nguy hiểm mà bà đang mang trong người.
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Nguyễn Thị Nhàn. Báo Thanh Niên cũng sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình bà Nhàn trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)