Tính chuyện thu phí vỉa hè, quản lý hàng rong

Đình Sơn
Đình Sơn
31/08/2023 08:13 GMT+7

Tại hội thảo khoa học "Giải pháp quản lý và khai thác vỉa hè trên địa bàn TP.HCM" do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 30.8, nhiều kiến nghị thu phí vỉa hè, quản lý người bán hàng rong đã được nêu ra.

Vỉa hè không chỉ để đi bộ

TS Bùi Ngọc Như Nguyệt, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng, cho biết kinh tế vỉa hè được phân làm ba nhóm đối tượng. Đầu tiên là nhóm kinh doanh mặt tiền có sử dụng vỉa hè. Nhóm này đa phần có đăng ký kinh doanh (có thể là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh) và đăng ký sử dụng vỉa hè tạm thời để sản xuất, kinh doanh (sử dụng vỉa hè làm lối ra vào, chỗ để xe tạm hoặc mở rộng không gian kinh doanh). Nhóm buôn bán hàng hóa nhỏ lẻ trên vỉa hè: nhóm này đa phần không đăng ký kinh doanh (mua bán tạp hóa, vật dụng nhỏ lẻ, đồ ăn, thức uống ...). Nhóm lưu động/hàng rong/bán dạo, nhóm này thì không đăng ký kinh doanh và không đăng ký sử dụng vỉa hè.

Khai thác kinh tế vỉa hè - Ảnh 1.

Hàng rong được sắp xếp vào các tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm

AN HUY

Thực tế, vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ, vỉa hè từ hàng trăm năm nay đã là nơi mưu sinh của hàng triệu cư dân ở các đô thị Việt Nam và trên thế giới. Là không gian giao lưu nơi phố thị, bản thân vỉa hè tạo nên các giá trị văn hoá đặc thù của từng đô thị. Trong bối cảnh kinh tế xã hội, văn hóa của Việt Nam, quy hoạch, lập lại trật tự vỉa hè ở các đô thị Việt Nam là việc cần làm. Tuy nhiên cần có phương án đưa vào khai thác, kinh doanh vỉa hè một cách khoa học và công bằng. Xóa bỏ ngay các hoạt động kinh tế vỉa hè tồn tại từ hàng trăm năm là một quan điểm vừa phi thực tế vừa phi khoa học. Đó phải là một quá trình lâu dài, khi nhà nước thực hiện tốt vai trò của mình là tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động nghèo khó đô thị và những người dân di cư vào đô thị, phải đảm bảo an sinh xã hội và điều kiện sống tốt nhất cho họ. Khi chưa làm được điều đó, hãy để kinh tế vỉa hè thực hiện chức năng của mình. Các giải pháp từ phía chính quyền nên tập trung vào quản lý và khắc phục hơn là tìm cách triệt tiêu nó.

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Bà Trúc Minh (Đại học Luật TP.HCM), cũng nói rằng khi quy hoạch, thu phí vỉa hè làm sao có sự gặp nhau giữa quyền lợi của chính quyền và quyền lợi của người dân. Giải pháp phải hài hoà để người dân hiểu được họ đang được tạo kế an sinh. Tạo được giá trị về văn hoá về du lịch. Người dân thấy được lợi ích của mình họ sẽ tham gia. Thu phí người sử dụng vỉa hè hợp pháp nhưng cũng phải xử phạt người sử dụng không hợp pháp để đảm bảo tính răn đe và ý thức của người dân.

69 hoạt động kinh doanh bám vào lòng đường, vỉa hè

Theo ông Nguyễn Xuân Đóa, Phòng Quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), vỉa hè hay hè, hè phố được hiểu là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhưng thực tế, vỉa hè tại TP.HCM và các đô thị ở Việt Nam nói chung có những đặc điểm không giống như nhiều đô thị của các nước trên thế giới. Ngoài chức năng đảm bảo không gian dành riêng cho người đi bộ lưu thông an toàn, nó còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động đa dạng khác nhau như kinh doanh buôn bán... 

Nhiều nhóm người thuộc các tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau cùng chia sẻ, sử dụng không gian vỉa hè với nhiều mục đích, thời điểm khác nhau trong ngày. Các hoạt động này mặc dù không chính thức nhưng lại chiếm một phần không gian và thời gian khai thác lớn của vỉa hè. Trên thực tế, các hoạt động này cũng làm cho thành phố nhộn nhịp, có lợi cho sự phát triển kinh tế và thu hút du lịch. Kinh tế vỉa hè ra đời và phát triển một cách khách quan tại các đô thị khi nhu cầu về việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của cư dân đô thị đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong đó có nhu cầu đối với các dịch vụ cung cấp trên hè phố. Bên cạnh đó, một lượng lớn những người lao động (nhất là lao động nhập cư) thất nghiệp, thiếu việc làm, đã tham gia vào các hoạt động kinh tế vỉa hè một cách tự nhiên và cả bắt buộc nếu không có sinh kế khác.

Một nghiên cứu về quản lý đô thị tại TP.HCM đã liệt kê ra tới 69 hoạt động kinh tế vỉa hè. Đó là 69 hoạt động mưu sinh bám lòng đường, hẻm phố. Cũng theo nhiều nghiên cứu đã chứng minh kinh tế vỉa hè là phần quan trọng của an sinh xã hội khi cung ứng 20 việc làm và cũng là nơi cung cấp lương thực cho người dân thành phố. Các hoạt động này thường được nhắc đến với tên gọi bán hàng rong  quán cóc, buôn bán vỉa hè... nhưng không chịu sự quản lý của Nhà nước bằng văn bản pháp luật cụ thể nào ngoại trừ những yêu cầu của cơ quan về trật tự đô thị. 

Khai thác kinh tế vỉa hè - Ảnh 2.

TP.HCM sẽ thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè

AN HUY

Như vậy, các địa phương hoàn toàn có thể phát triển các hoạt động kinh tế vỉa hè trong phạm vi, quy định đã có và có thể tổ chức thu phí tại các tuyến đường theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. 

Mới đây trong dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM do Sở GTVT xây dựng đã chia TP.HCM thành 5 khu vực để tính mức thu phí cho thuê lòng đường  vỉa hè và tính toán việc thu phí này sẽ mang lại cho ngân sách TP.HCM khoảng hơn 1.500 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, dự thảo này vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau liên quan đến mức thu, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, điều kiện hạ tầng giao thông.

TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), nêu kinh nghiệm triển khai của quận 1 khi sắp xếp hàng rong vào các tuyến phố như Nguyễn Văn Chiêm hay công viên Bách Tùng Diệp có hiệu quả tích cực, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người bán hàng rong mà còn ổn định trật tự, mỹ quan đô thị cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên 2 khu phố này chỉ có 27 gian hàng với 54 hộ thí điểm, chia 2 ca, quy mô nhỏ nên chưa thấy tác động lớn. Với quyết định 32 về quản lý, khai thác vỉa hè vừa ban hành, TP.HCM nên mạnh dạn nhân rộng mô hình này để quản lý, khai thác vỉa hè hiệu quả hơn. Đồng thời sắp xếp lại các tuyến phố, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức thu phí cho người dân tham gia kinh doanh, cùng với đó là nghiêm túc thực hiện chế tài đưa vỉa hè, lòng đường vào nền nếp.

Kinh tế vỉa hè không chỉ ra đời và tồn tại ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà còn tồn tại ở hầu hết các quốc gia với trình độ phát triển khác nhau như Mỹ, Pháp, Anh, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.