|
“Cơm tạm” xứ người
Tình cảm là điều mà du học sinh thiếu thốn nhất. Mới đi du học, ngoại ngữ chưa thành thục, văn hóa lại quá khác biệt nên đôi khi rất bơ vơ. Ng. (Trường ĐH Savannah Technical, bang
Georgia, Mỹ) tâm sự: “Hồi mới qua, đường sá chưa biết, tiếng Anh chưa rành, có lần mình lạc đường. Xe buýt đã hết chạy vì khuya quá. Trời tối mịt mùng. Vừa sợ, đói và lạnh, mình tủi thân vừa đi vừa khóc. Cũng may, có một anh người Việt chạy xe ngang thấy mình, liền chở đưa về tận nhà. Thế là yêu, dọn về ở chung cho “ấm cúng”. Dĩ nhiên, chuyện này được giấu kín. Trong mắt phụ huynh, Ng. vẫn còn là cô bé thơ ngây, “suốt ngày chỉ biết học” mà ông bà hết sức tự hào.
|
Ở homestay (cùng sống với gia đình người bản địa) không có vụ “sống chung”, nhưng “ngủ chung” thì… chưa chắc. Một lần, ông bà chủ nhà tá hỏa khi sáng ra, thấy từ phòng của Trần Tuấn K., du học sinh 18 tuổi mới tới Mỹ vài tháng, là một cô nhóc nhỏ tuổi hơn mặc áo ngủ lò dò ra ngoài đánh răng. Thì ra đêm qua, K. dẫn bạn gái về nhà ngủ mà ông bà không hay biết. Vi phạm nội quy, K. được “tiễn lên đường”.
Những mối tình lỏng lẻo
Mới qua chưa được 2 tháng, bạn bè đã thấy Hoàng Thanh L. (CĐ cộng đồng Houston, TP.Houston, bang Texas) cặp kè với một anh Tây mắt xanh. “Bồ Mỹ vừa to lớn, đẹp trai, lại vừa có điều kiện trau dồi ngoại ngữ”, L. khẳng định. Sau thời gian ngắn, từ một cô gái nhút nhát, tiếng Anh bập bẹ, L. trở thành cô gái tóc nhuộm vàng, miệng ngậm điếu thuốc tán chuyện bằng tiếng Anh rất sôi nổi với đám bạn Mỹ. Nhưng cuộc tình hai màu da này không tồn tại lâu vì “Mỹ quá sòng phẳng. Cái gì cũng “share” (chia đôi), thậm chí hai người đi uống ly nước, hắn cũng đòi share. Lần đó, nhà gửi tiền qua trễ, đến hạn chót đóng tiền nhà nhưng mình còn thiếu. Vậy mà mượn hắn không cho, làm mình bị phạt. Thế là xù”, cô nói.
Bên cạnh đó, người có thẻ xanh, quốc tịch đóng học phí rẻ hơn một nửa, chưa kể còn có thể mượn tiền đi học (financial aid), đi làm thêm hợp pháp… Những quyền lợi trước mắt đó làm không ít nữ du học sinh “mờ mắt” và xác định như mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá.
Trong mắt mọi người, H. (CĐ cộng đồng Highline, TP.Des Moines, bang Washington) là người may mắn vì được ở không tốn tiền tại nhà ông chú bà con, đi đâu cũng được chú đưa đón, cho tiền xài. Nhưng chỉ vài người bạn rất thân với cô mới biết, “ông chú” chính là “ông chồng già quốc tịch Mỹ” của cô. H. tâm sự: “Không sướng đâu, đi đâu cũng bị quản lý, theo dõi từng phút. Có cái áo đẹp cũng không dám bận vì ổng ghen, sợ mình “đi với trai”, muốn xài cái gì đều phải ngửa tay… xin, ổng cũng đưa, nhưng mặt nặng, mặt nhẹ…”.
Nấu bữa ăn để đỡ nhớ nhà Hồi trước, để bớt nhớ nhà, mỗi tuần mình gọi điện miễn phí qua skype nói chuyện với cả nhà một lần. Cuối tuần mình thường sang nhà bà con người Việt (hoặc người thân của bạn) để hưởng chút không khí gia đình. Không thì mình rủ bạn bè về nhà, cùng nấu món ăn Việt Nam, đơn giản thôi, nhưng là dịp để mỗi đứa tìm lại hương vị quê nhà. Về chuyện tình cảm, nói thật, lúc đó mình yêu một cô và cũng dọn về ở chung. Tụi mình yêu nhau thật lòng nên thường chia sẻ với nhau những ước mơ về tương lai để cùng hướng tới và công khai tình cảm với gia đình hai bên. Mình nghĩ, làm như vậy gia đình sẽ bớt lo lắng hơn. Nguyễn Anh Tú |
Thủy Tiên
>> Nhật Bản tìm cách thu hút du học sinh Việt Nam
>> Giải thưởng cho du học sinh Việt Nam
>> Du học sinh Việt Nam làm clip chúc tết quê hương
>> Sôi nổi ngày hội bóng đá của du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc
>> Một du học sinh Việt Nam đạt nhiều giải thưởng tại Nga
>> Du học sinh Việt Nam được vinh danh tại Úc
Bình luận (0)