Nội các mới của ông Cameron không chỉ trẻ hơn, có nhiều thành viên nữ hơn mà đặc biệt và đáng chú ý nhất là “không thân thiện với EU hơn”, có nghĩa là không nhiệt tình và mặn mà với thực trạng, định hướng phát triển chung của EU. Ông Cameron theo đuổi hai mục tiêu chính với cuộc cải tổ nội các này. Thứ nhất là đối phó với EU sau khi thất bại trong việc cản trở cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker trở thành Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), và thứ hai là chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội ở Anh.
Thất bại nói trên của ông Cameron khiến vị thủ tướng này bị cô lập trên chính trường EU nhưng lại nâng cao uy tín cá nhân ở Anh. Cải tổ nội các theo hướng như thế chẳng khác gì chấn chỉnh đội ngũ chuẩn bị cho vòng đấu mới với EU trong bối cảnh tình hình mới. Thông điệp từ đó của ông Cameron là nước Anh sẽ kiên định quan điểm riêng chứ không chấp nhận thiểu số buộc phải phục tùng đa số trong EU, nước Anh vẫn ở trong EU nhưng không có nghĩa là hoàn toàn đồng thuận và hài hòa với EU.
Ông Cameron không thể không lo xa về cuộc tổng tuyển cử tới khi đảng Bảo thủ cầm quyền đang thua kém Công đảng trong các kết quả thăm dò dư luận. Vì thế, ông Cameron lại phải một lần nữa khai thác tâm lý của người dân trên đảo quốc vốn không thật sự thân thiện và thích thú EU khi thể hiện khẩu hiệu “nước Anh trước, EU sau”.
La Phù
Bình luận (0)