Tinh giản biên chế nhưng vẫn còn bộ phận 'sáng cắp ô đi, tối cắp về'

Mai Hà
Mai Hà
31/10/2022 15:57 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp ), lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt trong khu vực công đang là vấn đề đáng báo động.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: "Tinh giản biên chế nhưng vẫn còn bộ phận 'sáng cắp ô đi, tối cắp về'"

Chiều 31.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Đề cập tới vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), điều này thể hiện ở cả 2 yếu tố là tuyển dụng công chức, viên chức cũng như vấn đề tinh giản biên chế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

quochoi

Người tài vào nhà nước phải "xếp hàng chờ cơ hội"

Cụ thể, với tuyển dụng công chức, viên chức, theo bà Hoa, đang có sự lãng phí trong thu hút sử dụng nhân tài.

“Chúng ta đã có những quan điểm đúng đắn của Đảng, có chính sách hay nhưng thực tế người có năng lực khi được thu hút vào cơ quan nhà nước đã gặp khó khăn trong phát huy năng lực, sẽ an phận ngồi xếp hàng chờ cơ hội làm việc trái ngành hoặc đến lúc nào đó sẽ chán nản, rời bỏ vị trí”, bà Hoa nêu.

Thứ hai là vấn đề tinh giản biên chế, năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với 2015, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng (tối thiểu 10%), đây là thành tích đáng ghi nhận

Nhưng vấn đề cần bàn theo bà Hoa là "việc tinh giản biên chế có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học? Và vấn đề xu thế cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong 2 năm qua có liên quan gì tới việc tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương?".

Dù chọn câu trả lời nào, theo đại biểu Hoa, thì rõ ràng ở đây đang có vấn đề lãng phí nguồn nhân lực ở khu vực sử dụng ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội: "Nhiều vụ án liên quan đến cán bộ đều có bóng dáng quản lý đất đai"

Tinh giản biên chế mới tập trung người sắp nghỉ hưu

Cũng theo đại biểu, chủ trương tinh giản biên chế rất đúng, nhưng dường như kết quả mới là “giản” mà chưa “tinh”. Vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy, một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm.

Trên thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc lại càng dồn vào những người làm được việc, trong khi họ ít cơ hội thăng tiến; ngạch và bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến, khiến công chức, viên chức rời bỏ khu vực công sang khu vực tư.

Theo đại biểu Mai Hoa, trước đây, khu vực công hấp dẫn người lao động ở các tiêu chí như vào biên chế nhà nước, công việc ổn định lâu dài, có lương hưu… nhưng hiện nay, tiêu chí người lao động đặt ra là thu nhập cao.

“Theo nguồn phân tích của Bộ Nội vụ, người nghỉ việc có độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm 64,77% tổng số công chức và viên chức nghỉ việc, trong khi đó cùng độ tuổi này số tuyển vào rất ít. Vấn đề thu nhập, lương rất thấp hiện nay càng khó thu hút nhân lực trẻ có năng lực, cho thấy vấn đề già hóa lực lượng công chức, viên chức khu vực công. Và đến 5 - 10 năm tới, sẽ có độ hẫng về lực lượng kế cận”, bà Hoa nêu lên thách thức.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị là việc cần làm, và phải làm khẩn trương, nhưng phải làm thế nào cho khoa học.

“Đề nghị đưa vào nghị quyết của Quốc hội quản lý nguồn nhân lực, các chính sách thu hút nhân tài đúng theo tiêu chí hiền tài là nguyên khí quốc gia, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Cơ chế tiền lương cần đảm bảo hấp dẫn, tạo động lực cho người tài cống hiến”, đại biểu Hoa nêu.

Đại biểu Trần Hữu Hậu: "Lãng phí trách nhiệm đang phổ biến, gây thất thoát niềm tin của nhân dân"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.