Chiều 27.10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
quochoi |
Công chức nghỉ việc là thực trạng chung của thế giới
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, “tình trạng công chức, viên chức thôi việc cũng là một thực trạng chung của nhiều nước trên thế giới” trong 2 năm dịch bệnh. Như ở Anh có 9,2% trong tổng công chức nghỉ việc, Singapore là hơn 9,9%, Pháp 6,1%, Mỹ là 3,1%, các nước trong khối ASEAN cũng tương tự Việt Nam.
Về nguyên nhân chủ yếu của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập, vận hành theo quy luật thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động.
“Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư”, Bộ trưởng Nội vụ nêu.
Mặt khác, khu vực tư nhân sau đại dịch tiếp tục được củng cố và phát triển. Ước tính năm 2022 có 135.000 mới được gia nhập thị trường, điều này đòi hỏi doanh nghiệp có chính sách hấp dẫn hơn để thu hút người lao động, trong đó có công chức ở khu vực công.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận, vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc đồng loạt trong 2 năm qua cũng là vấn đề đáng quan ngại và cần nhìn nhận nghiêm túc.
Nguyên nhân đầu tiên là do tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập cùng với trình độ làm việc ở khu vực tư. Áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn nguy hiểm của đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trong lĩnh vực giáo dục thì phải đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông; thay đổi phương thức làm việc trong điều kiện của đại dịch Covid-19, trong khi đó thì các điều kiện để thực hiện cũng còn rất nhiều khó khăn.
Môi trường làm việc ở một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, sở trường.
Nghị trường nóng hổi chuyện ‘cán bộ đi lững thững’ và nỗi lo ‘giá chạy trước lương’ |
Khó tăng lương từ 1.1.2023
Trong khi đó, quản trị trong khu vực công chưa có những thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lối quen lề lối cũ; trong khi đó khu vực tư thì rất chú ý đến tiếp cận phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc, ghi nhận kịp thời giá trị đóng góp cống hiến của người lao động.
Về giải pháp, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Song theo bà Trà, “việc tăng lương từ 1.7.2023 là hợp lý trong điều kiện chúng ta phải lường trước những vấn đề phát sinh diễn biến của năm 2023 về lạm phát và khó khăn khách quan. Nếu thực hiện từ 1.1.2023 sẽ khó khăn cho chúng ta”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, giải pháp là cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đổi mới công tác tuyển dụng sử dụng quản lý đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ công chức, viên chức đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng hiệu quả hơn nữa.
Sớm xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng người tài năng, có chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý thực sự có phẩm chất năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ công chức, viên chức làm việc...
Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6.2022, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.552 người (bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức). Ở T.Ư, số thôi việc chiếm 18% và ở các địa phương chiếm 82%.
Theo vùng, khu vực Đông Nam bộ chiếm 37,6%, Đồng bằng sông Cửu Long là 22,8%; Đồng bằng sông Hồng là 14,4%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 10,9%; ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tỷ lệ này rất thấp.
8 địa phương có số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ. Số công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế…
Bình luận (0)