Tăng lương sớm từ 1.1.2023 để 'niềm vui người làm công ăn lương trọn vẹn hơn'

27/10/2022 10:58 GMT+7

Các đại biểu cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ là cứu cánh cho người lao động đang bị bào mòn đời sống sau 3 năm đại dịch, song cần tăng sớm hơn 6 tháng so với dự kiến từ 1.7.2023.

Sáng 27.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu)

Quochoi

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cho người lao động, đã được cử tri và người dân rất quan tâm.

Theo ông, lần tăng lương cơ sở gần nhất là tháng 7.2019, dưới ảnh hưởng trầm trọng của Covid-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cán bộ công chức, người lao động, thậm chí dẫn đến nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đề nghị sớm tăng lương cơ sở để người lao động có "niềm vui trọn vẹn"

Nguồn sống người lao động đang bị bào mòn

Đại biểu cũng chia sẻ với gánh nặng ngân sách không thể gánh nổi chi phí tăng lương cơ sở hàng năm trong bối cảnh dịch dã. Ước tính lần tăng lương cơ sở này với mức tăng 20,8% thì ngân sách đã phải dành thêm 44.000 tỉ đồng. Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở là "thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng chịu được của ngân sách".

“Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, cũng như bù đắp trượt giá thị trường dưới sự eo hẹp của đồng lương bấy lâu nay, rất nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, ngay từ 1.1.2023 thay vì 1.7.2023. Chắc chắn đây là món quà vô cùng ý nghĩa của người làm công ăn lương đang gồng mình chống chọi trong 3 năm qua và nguồn sống bị bào mòn”, đại biểu Thái đề xuất.

Đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng nêu: lương cơ sở tăng có giữ được chân công chức viên chức nghỉ việc hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, lương tăng là tín hiệu vui, nhưng không phải giải pháp căn cơ để cán bộ công chức gắn bó với nghề ở khu vực công, mà cải cách chính sách tiền lương mới là giải pháp căn cơ - điều mà lẽ ra nếu không phải quay quắt chống dịch thì lẽ ra phải làm từ năm 2021.

Trên thực tế, lương cơ sở tăng 1,8 triệu đồng/tháng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương, không phản ánh đúng sức lao động, không bù đắp được để họ toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Vì thế, đại biểu đề nghị trong trường hợp năm 2023 tăng trưởng vĩ mô ổn định, sớm thực hiện luôn đề án cải cách tiền lương.

Dẫn lại việc hơn 2 năm rưỡi dịch vừa qua đã có hơn 39.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, bình quân mỗi năm có hơn 18.000 người nghỉ việc, chuyển việc, chủ yếu là ngành giáo dục và y tế, theo ông Thái, đây là vấn đề xã hội rất đáng quan tâm

“Trong xã hội không có nhiều người được gọi là thầy, nhưng 2 năm rưỡi vừa qua số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc chiếm tỷ lệ rất lớn. Kinh tế thị trường có sự cạnh tranh giữa khu vực công và tư, nhưng chấp nhận cạnh tranh thì phải có chính sách giữ người tài ở khu vực công bằng chính sách phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ công chức sẽ làm đúng với giá trị tiền lương của họ”, đại biểu Thái nêu.

Đại biểu Tô Văn Tám: Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc cũng là cơ hội hoàn thiện hệ thống

Lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cử tri cũng lo về tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã rục rịch tăng rồi. Câu chuyện giá - tiền - lương cái nào đứng trước?

“Lương luôn bị rớt lại sau cuộc đua, giá thực phẩm tăng, phí đại học tăng... dồn vào gánh nặng trên vai người lao động, chen chân vào chi phối bưa cơm hàng ngày của họ. Nên tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương chỉ thành công khi Chính phủ thực hiện đồng bộ với các giải pháp thị trường”, ông Thái chia sẻ.

Đại biểu Thái Thu Xương đề nghị bên cạnh tăng lương cần có chính sách kiềm chế lạm phát

quochoi

Cùng quan điểm này, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho rằng, ngay khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, học phí, viện phí... tăng liên tục.

Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công nhân viên chức từ 2019 chưa tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của cán bộ công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.

Đại biểu đoàn Hậu Giang cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Lý do đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1.1.2023 vì theo phương án trình của Chính phủ từ 1.7.2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm.

“Cạnh đó, cần kiếm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn. Tha thiết mong Chính phủ đưa ra quyết định, một khi quyết định hết sức phù hợp”, đại biểu Sương nêu.

Cũng theo bà, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Trong đó nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 đến 70% lên tất cả đều hưởng mức 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng bác sỹ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.