‘Ở TP.HCM cắt tóc, xe ôm cũng đắt thì lương 7 - 8 triệu không sống được’

Mai Hà
Mai Hà
22/10/2022 14:21 GMT+7

Chính sách tiền lương tiếp tục là vấn đề nóng của Quốc hội, khi thảo luận tại tổ các đại biểu đều cho rằng lương tối thiểu hiện nay không đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Sáng 22.10, tiếp tục ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, lương và thu nhập là vấn đề cần báo động. “Theo định nghĩa của Mác thì lương để tái sản xuất sức lao động, bao gồm phải nuôi được gia đình và người lao động, nhưng hiện nay của chúng ta không đạt. Định nghĩa của bộ luật Lao động là lương không thấp hơn lương tối thiểu, nhưng lương tối thiểu hiện nay lại không đáp ứng được nhu cầu, mức sống thông thường, thậm chí mức tối thiểu”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng lương tối thiểu đang không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu

Gia hân

Đấy là lý do một bộ phận cán bộ công chức, người lao động lương không đáp ứng nhu cầu tối thiểu để chăm lo cho gia đình. Một bộ phận lựa chọn giải pháp không làm cho nhà nước nữa, dẫn tới tiền lương, thu nhập lại đang là vật cản rất lớn với một trong 3 khâu đột phá là nhân lực.

Ông Nghĩa phân tích, TP.HCM đã có cơ chế đột phá thu hút nguồn nhân lực nhưng không thu hút được mấy. Ảnh hưởng đến cả vấn đề y tế và giáo dục. Đại biểu nhất trí càng sớm tăng lương cơ bản càng tốt, nhưng không chỉ tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng.

"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức lương chính thức không đủ sống, phải tăng cho họ nhanh và nhiều hơn. Cán bộ hưu trí lương cao rồi thì tăng chậm hơn và ít hơn. Còn số lương tương đối ổn rồi thì chịu khó một chút, không thể tăng đồng đều cả. Có người về hưu lương 15 triệu. Nếu tăng đều thì không đủ lực, cần giải quyết cấp bách khu vực thấp”, đại biểu Nghĩa nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Năm 2024 có thể sẽ cải cách tiền lương

Cũng theo đại biểu Nghĩa: “lương tối thiểu phải xác định trên mức sống cơ bản, tối thiểu. Mức sống tối thiểu từng nơi là khác nhau. Ví dụ một người ở các tỉnh họ có vườn chăn nuôi trồng trọt. Nhưng ở TP.HCM đi cắt tóc, xe ôm cũng “mắc” (đắt - PV) thì lương 7 - 8 triệu ở TP.HCM không sống được”.

Ông cho rằng, những vấn đề này phải giải quyết bằng thể chế, nếu không sẽ xảy ra nhiều chuyện. Quốc hội cần tập trung sát cánh cùng Chính phủ trong tháo gỡ vấn đề về thể chế. “Vừa rồi, một vị Ủy viên T.Ư nhắn cho tôi là một số cán bộ lão thành nói rằng có rất nhiều vấn đề cấp bách thì tại sao Quốc hội lại tập trung làm nghị quyết về đấu giá biển số xe?”, ông Nghĩa nói.

Xem nhanh 20h ngày 22.10: Giá xăng Việt Nam ‘thấp nhất thế giới’ | Than khổ vì con đi học sớm

Cùng quan điểm về vấn đề tiền lương, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết “nhiều người tâm tư sức lao động của chúng tôi mà bị trả giá rẻ như mớ rau”.

Lương tăng nhưng không theo kịp với giá cả thực tế, thực chất thu nhập đời sống xã hội không tăng. Điều này dẫn tới chính người sử dụng lao động cũng rất khó khăn trong việc giữ chân người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.