Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Quốc hội yêu cầu điều tra việc nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm Việt Á. Chiều 11.1, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chung kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Nghị quyết vừa được thông qua nhấn mạnh, Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn những hạn chế nhất định, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội.
100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 |
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.
Phân tích mẫu xét nghiệm Covid -19 |
trần ngọc |
Ca mắc Covid-19 liên tục tăng, TP.Đà Nẵng cảnh báo các cuộc hội họp cuối năm. Ngày 11.1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết địa phương ghi nhận 543 ca mắc Covid-19, tăng khoảng 100 ca so với ngày hôm trước. Trong số ca mắc mới có 346 ca chưa cách ly. Liên tiếp trong 5 ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại địa phương tăng dần đều từ hơn 300 ca lên đến gần 550 ca mắc mới, trong đó gần 90% là các ca mắc có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, khuyến cáo về nguy cơ gia tăng nhanh các ca mắc Covid-19, đặc biệt vào những ngày cuối năm âm lịch, với thói quen tụ tập liên hoan, tổng kết, giao lưu trong điều kiện địa bàn TP.Đà Nẵng đang ghi nhận số lượng ca lây nhiễm tăng cao. “Các địa phương cơ sở, khu dân cư phải tăng cường cảnh báo đến người dân về tình hình dịch bệnh đang gia tăng và phức tạp. Cận tết, các cuộc liên hoan, tổng kết, hội họp nhiều nên cần cân nhắc việc tổ chức, quy mô tổ chức”, bác sĩ Thạnh khuyến cáo.
12 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở Quảng Nam đã xuất viện. Sáng 11.1, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết 12 trong số 14 người nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron đã được xuất viện, về nhà. Theo ông Mười, 12 người này đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với Covid-19 và được xuất viện, đưa về địa phương. Hai bệnh nhân còn lại đang ở lại tiếp tục điều trị tại khách sạn nơi họ cách ly do chỉ số CT (ngưỡng chu kỳ) dưới 30.
Hiện ngành y tế tỉnh Quảng Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lây nhiễm chủng Omicron. Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 31.12.2021, Quảng Nam ghi nhận 14 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Đây là các trường hợp công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc và Mỹ. Các chuyến bay này đều về sân bay Đà Nẵng trong các ngày 21, 23 và 24.12.2021.
Cà Mau ghi nhận 762 ca mắc mới, 4 ca tử vong. Ngày 11.1, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau, trong ngày hôm nay, tỉnh ghi nhận 762 ca mắc Covid-19 mới (20 ca qua xét nghiệm PCR, 742 ca qua test nhanh) và 4 ca tử vong. Trong đó, có 109 ca cộng đồng, 653 ca đang cách ly.
Trong số ca mắc mới, H.Thới Bình 296 ca; TP.Cà Mau có 157 ca,; H.Trần Văn Thời 89 ca; H.Phú Tân 45 ca; H.Đầm Dơi 43 ca; H.U Minh 39 ca; H.Ngọc Hiển 37 ca; H.Cái Nước 32 ca; H.Năm Căn 19 ca và 5 ca ngoài tỉnh về. Như vậy, sau hơn 1 tháng luôn trong đứng đầu cả tỉnh về số ca mắc mới, hôm nay, số ca mắc Covid-19 ở TP.Cà Mau đã kéo giảm xuống đứng thứ 2, sau H.Thới Bình.
TP.Hải Dương điều chỉnh, yêu cầu nhà hàng phục vụ trên 50 khách phải làm xét nghiệm Covid-19. Chiều 11.1, thông tin từ UBND TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này đã có văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. UBND TP.Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện xét nghiệm theo định kỳ, tổ chức test nhanh cho người lao động trước khi nghỉ tết và sau khi quay trở lại làm việc, báo cáo kịp thời kết quả xét nghiệm về Ban Chỉ đạo các phường, xã.
UBND TP.Hải Dương yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, không phục vụ quá 50% công suất và không quá 20 người trong cùng một phòng ở cùng một thời điểm và phải đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. TP.Hải Dương yêu cầu chủ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh tiệc cưới; các nhà hàng, quán ăn, uống lớn có công suất phục vụ từ 50 người trở lên phải tổ chức test nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (trong thời hạn 72 giờ), kết quả âm tính mới được tham dự.
Người dân Quảng Ngãi về quê ăn Tết Nhâm Dần không cần xét nghiệm Covid-19. Ngày 11.1, tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, quyết định này được ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đưa ra vào sáng 10.1, trong cuộc họp của lãnh đạo tỉnh này với các sở, ngành bàn về việc thay đổi một số biện pháp ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, địa phương đã nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 và cơ bản kiểm soát được dịch. Vì vậy, tỉnh sẽ tính toán các biện pháp chống dịch Covid-19 phù hợp với từng tình hình cụ thể, thực tế. Đối với trường hợp người dân Quảng Ngãi làm ăn, mưu sinh ở mọi miền đất nước, năm nay về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022 sẽ không phải xét nghiệm PCR, test nhanh Covid-19. Còn người là F0 thì điều chỉnh quản lý tại nhà, nơi lưu trú theo hướng an toàn, linh hoạt.
Giấy xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 có thể thay thế “hộ chiếu vắc xin” |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM xã hội hóa khâu chăm sóc F0 nặng trong bệnh viện. Ngày 11.1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện dã chiến số 3 và 1 đơn vị tư nhân ký kết triển khai dịch vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách 4 bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19, từ ngày 7.7.2021 đến nay đã tiếp nhận khoảng 27.000 ca F0, trong đó có rất nhiều ca thở ô xy, thở máy. Trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, bệnh viện quá tải trong chăm sóc y tế, sau đó có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, sinh viên y khoa, F0 khỏi bệnh để chăm sóc F0 nặng. Hiện nay, công tác điều trị Covid-19 vẫn tiếp tục nhưng các tình nguyện viên đã rút về học tập, làm việc. Vì vậy, bệnh viện thực hiện mô hình xã hội hóa để chăm sóc F0 trong quá trình điều trị. Người đến chăm sóc F0 được yêu cầu có sức khỏe tốt, tuổi trẻ, có kinh nghiệm nuôi bệnh, đã được tiêm vắc xin và cũng từng là F0. Bên cạnh đó người chăm sóc F0 phải được tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn, kỹ năng giao tiếp…
Bình luận (0)