Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, thêm nhiều đối tượng mới được bổ sung nhận hỗ trợ Covid-19 từ gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết 126 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người. Người lao động ngừng việc đang phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/người. Người chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021 được hỗ trợ 1 lần 3,71 triệu đồng/người.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết 126 là thêm nhiều đối tượng hộ kinh doanh có thu nhập thấp được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Đối tượng cụ thể gồm: hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh mục của cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên.
Đoàn y bác sĩ các tỉnh phía bắc tham quan địa đạo Củ Chi ngày 13.10 sau thời gian chống dịch ở TP.HCM |
vũ phượng |
TP.HCM hiện chưa trở lại trạng thái “bình thường mới”. Bên lề hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra sáng 14.10, trả lời câu hỏi hiện TP.HCM đã trở lại trạng thái bình thường mới chưa, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định “tính đến giờ phút này thì chưa thể nói là thành phố trở lại trạng thái bình thường mới”. Lý do là các cơ quan nhà nước chưa hoạt động đầy đủ, dạy học vẫn đang theo hình thức trực tuyến, các cơ sở y tế chưa hoạt động hết công suất và nhiều hoạt động khác của xã hội cũng chưa hồi phục hết.
TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ |
Ông Mãi cho biết thành phố đang từng bước hồi phục, chính quyền phải tiếp tục củng cố, phát huy và trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì phải điều chỉnh trở lại. “Theo diễn tiến thuận lợi này, đến tháng 11.2021 cũng chưa tiến tới trạng thái bình thường mới hoàn toàn”. TP.HCM đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ hướng dẫn tạm thời của Trung ương, thành phố sẽ điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với từng lĩnh vực.
TP.HCM phấn đấu đưa ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày giảm về mức 3 con số. Bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 9 diễn ra sáng 14.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi với báo chí về những tín hiệu lạc quan sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Các chỉ số về y tế diễn tiến theo chiều hướng tích cực khi số lượng ca tử vong mỗi ngày giảm sâu, những ngày gần đây dao động 60 - 70 ca/ngày; số ca bệnh nặng và rất nặng đã giảm xuống dưới 500 ca, hiện đang điều trị tại tầng 3 và các trung tâm hồi sức. “Số ca F0 mỗi ngày đang giảm dần về con số 1.000. Thành phố đang phấn đấu để số ca nhiễm phát hiện mới mỗi ngày giảm về mức 3 con số”, ông Đức cho biết.
TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 4,2 triệu người. Ngày 14.10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 theo Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM, đến nay, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho hơn 4,2 triệu người trong tổng số gần 6 triệu người dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn được lập danh sách hỗ trợ, đạt tỷ lệ 70,7%. Trong đó, một số địa phương cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ, như Q.5 đạt 99,3%, Q.Phú Nhuận đạt 98,3%, Q.1 đạt 96,5%...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện vẫn còn một số địa phương chi trả thấp, như Q.12 chỉ mới hỗ trợ đạt 50%, Q.Bình Tân đạt 51%, TP.Thủ Đức đạt 69% và H.Bình Chánh đạt 55%. Theo ông Lê Minh Tấn, ngày mai (15.10) các địa phương cập nhật tiến độ chi trả mới biết được có hoàn thành chi hỗ trợ như dự kiến ban đầu hay không.
Sóc Trăng ghi nhận thêm 207 trường hợp dương tính Covid-19. Sáng 14.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết qua sàng lọc, truy vết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 207 trường hợp dương tính Covid-19. Trong đó có 165 trường hợp F1 trở thành F0 và 22 trường hợp là người dân tự phát về từ vùng dịch.
Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, 500.000 liều vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ theo kế hoạch đã về tới địa phương. Tỉnh đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân, đặc biệt ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam ghi nhận thêm nhiều học sinh ở H.Phước Sơn dương tính với Covid-19. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn cho biết tính từ ngày 13.10 đến sáng nay, ghi nhận tất cả 32 ca dương tính Covid-19 trên địa bàn huyện.
Bà Võ Thị Lệ, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phước Sơn cho biết các em học sinh dương tính Covid-19 đã được đưa đi cách ly, điều trị, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Phước Chánh hiện đã phong tỏa hoàn toàn. “Ngoài 17 học sinh lớp 8 và 1 giáo viên ghi nhận dương tính Covid-19 vào ngày 13.10, trong quá trình truy vết lấy mẫu, ngành y tế huyện đã ghi nhận thêm 2 em học sinh lớp 6 và 3 em học sinh lớp 7 dương tính Covid-19, nâng tổng số học sinh dương tính lên 22 em”, bà Lệ nói.
Bình Dương cho mở lại hoạt động xe khách, taxi nội tỉnh, liên tỉnh. Chiều 14.10, Sở GTVT Bình Dương ban hành văn bản hướng dẫn và cho phép xe khách, xe buýt, taxi, xe ôm công nghệ… hoạt động nội tỉnh và liên tỉnh. Về thời gian hoạt động cụ thể, Sở GTVT Bình Dương cho phép xe khách, xe buýt, taxi… hoạt động nội tỉnh từ ngày 15.10; hoạt động liên tỉnh từ ngày 20.10.
Hành khách đi xe khách, xe buýt… phải có giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ và giấy xác nhận (hoặc Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid) đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh. Đối với các vùng có nguy cơ cao, các phương tiện giao thông chỉ được hoạt động từ 50% công suất trở xuống. Xe taxi được hoạt động không quá 20% số xe hiện có và phải đăng ký với Sở GTVT. Xe hợp đồng từ 16 chỗ trở lên được hoạt động không quá 30% số xe hiện có.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, người lao động được di chuyển giữa TP.HCM - Đồng Nai bằng ô tô cá nhân. Ngày 14.10, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND TP.HCM bổ sung thêm phương án người lao động được di chuyển bằng ô tô cá nhân giữa TP.HCM với Đồng Nai. Điều kiện là người ngồi trên phương tiện phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã chữa khỏi bệnh dưới 6 tháng, có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 (định kỳ 7 ngày lần). Theo văn bản này, việc tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM với Đồng Nai sẽ thay đổi khi UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 128 (ngày 11.10) của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”.
Bình luận (0)