Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, F0 gia tăng, TP.HCM thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong bối cảnh F0 có xu hướng gia tăng, TP.HCM đang thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa mang tính khu vực lớn. Đó là tham gia chống dịch tại nhiều tỉnh, TP.HCM đã cử nhiều đội chi viện về chuyên môn, tiêm vắc xin, xét nghiệm cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 14.11: Cả nước 8.176 ca Covid-19, 5.257 ca khỏi | TP.HCM 985 ca |
Tại TP.HCM, giám sát phát hiện sớm F0 để cắt đứt nguồn lây, chăm sóc F0 sớm, tránh chuyển nặng, giảm tử vong. Mỗi quận, huyện thành lập ít nhất 1 bệnh viện dã chiến từ 300 - 500 giường, trong đó có từ 30 - 50 giường có ô xy để tiếp nhận người dân trên địa bàn có triệu chứng nhẹ. Để chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế cùng Bộ Tư lệnh thành phố hỗ trợ nhân lực cho F0 cách ly tại nhà. Tính đến hết ngày 13.11, tại TP.HCM phát hiện 445.758 ca mắc Covid-19 (F0), số ca tử vong cộng dồn là 17.135 ca. Hiện tổng số F0 đang điều trị, cách ly theo dõi tại nhà là 59.302 ca. Trong đó, 11.497 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3; 4.824 ca F0 đang cách ly tập trung và 42.981 ca F0 cách ly tại nhà.
Cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Thuận lên tàu ra đảo Phú Quý hỗ trợ chống dịch Covid-19 trong đêm 13.11 |
châu tuấn |
Bình Thuận chuẩn bị kịch bản cho 200 ca nhiễm Covid-19 trên đảo Phú Quý. Đêm 13.11, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận và Sở Y tế tỉnh này đã điều lực lượng ra đảo Phú Quý hỗ trợ chống dịch khi huyện đảo này phát hiện hơn 50 ca dương tính Covid-19 trong 2 ngày vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong nhận định, do đây là lần đầu tiên trên đảo có ca nhiễm Covid-19 (trong suốt 2 năm qua), nên người dân trên đảo rất lo lắng và chính quyền địa phương còn lúng túng trong các bước triển khai nhiệm vụ chống dịch. Chủ tịch Bình Thuận yêu cầu kiểm soát tất cả người lên đảo lúc này, dù không nhiều. Chia nhỏ các khu dân cư để phong tỏa chặt, xét nghiệm hết người dân trong vùng nguy cơ lây nhiễm cao. Ông Phong đề nghị chính quyền huyện đảo Phú Quý phải chuẩn bị sẵn kịch bản cho 200 ca nhiễm Covid-19 trên đảo để chuẩn bị tinh thần chống dịch, không được để bị động.
Ca nhiễm Covid-19 ở Đắk Lắk gần đến mốc 6.000, lập bệnh viện dã chiến thứ 3. Ngày 14.11, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết số ca nhiễm Covid-19 cộng dồn trên địa bàn tỉnh là 5.990 ca, trong đó TP.Buôn Ma Thuột có số lượng nhiều nhất với 1.642 ca.
Trước tình hình số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn tăng, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 đặt tại ký túc xá Trường cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột), nhằm kịp thời thu dung, điều trị toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang cách ly tập trung có nguy cơ cao chuyển từ F1, F2 thành F0.
Hà Nội rút ngắn khoảng cách 2 mũi AstraZeneca xuống 4 tuần |
Số mắc Covid-19 ở Khánh Hòa vượt 10.000 ca. Tính đến ngày 14.11, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 10.150 ca mắc Covid-19, trong đó 8.830 ca đã được điều trị khỏi bệnh. TP.Nha Trang là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong tỉnh với 5.307 ca.
Chỉ trong sáng 14.11, tỉnh này ghi nhận thêm 27 ca mắc mới trong cộng đồng tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, H.Diên Khánh ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 15 ca. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, UBND H.Diên Khánh đã chỉ đạo các trường học tạm dừng cho học sinh đến trường từ hôm 8.11.
Bé trai 14 ngày tuổi ở Đắk Lắk dương tính Covid-19. Theo hồ sơ dịch tễ, bệnh nhi (trú xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) sinh ngày 1.11, là con thứ 2 sinh thường đủ tháng tại BVĐK Thiện Hạnh (TP.Buôn Ma Thuột), xuất viện ngày 3.11. Ngày 5.11, mẹ bệnh nhi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính Covid-19, ngày 6.11 kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính. Sau khi mẹ bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột), bệnh nhi được người nhà chăm sóc.
Đến chiều 10.11, cháu bé có biểu hiện khò khè, kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính Covid-19. Chiều 11.11, khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính Covid-19, bệnh nhi được đưa vào điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh, quấy khóc nhiều. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: “Hiện cháu bé đã tiến triển tốt, được mẹ vào ở cùng để chăm sóc. Rất mừng vì cháu bé đã bú tốt, SpO2 96%, các dấu hiệu sinh tồn khác ổn định”.
Vĩnh Long thêm 502 ca mắc mới, số ca trong cộng đồng tăng cao. Sáng 14.11, tin từ Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, từ 7 giờ ngày 13.11 đến 7 giờ ngày 14.11, tỉnh này ghi nhận 502 ca dương tính Covid-19. Trong số những ca mắc mới, có đến 187 ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại các địa phương; 56 ca tại các khu vực phong tỏa thuộc TP.Vĩnh Long và H.Tam Bình; 259 ca là F1 chuyển thành F0 khi được cách ly tập trung trước đó tại các trung tâm y tế và khu cách ly tập trung.
Tính từ ngày 1.1 - 14.11, Vĩnh Long có 4.731 ca dương tính Covid-19; điều trị khỏi bệnh cho 2.734 trường hợp và có 51 trường hợp tử vong.
Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Bình tăng nhanh, H.Vũ Thư phải dừng nhiều hoạt động. Sáng nay 14.11, CDC Thái Bình cho biết, đơn vị này vừa ghi nhận 134 ca nhiễm Covid-19. Trong đó H.Vũ Thư có 79 ca, TP.Thái Bình có 42 ca. Tính từ 10 - 14.11, Thái Bình đã ghi nhận 267 ca mắc Covid-19.
Từ ngày 12.11, UBND H.Vũ Thư và UBND TP.Thái Bình đã cho tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí (karaoke, massage xông hơi, trò chơi điện tử trực tuyến mạng internet...); các hoạt động vui chơi tập trung đông người, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Các quán hàng ăn uống tại H.Vũ Thư cũng không tổ chức ăn tại chỗ, chỉ cho bán mang về. Thường vụ tỉnh Thái Bình đã yêu cầu H.Vũ Thư tạm thời phong tỏa 30 xã, thị trấn của huyện để tổ chức test nhanh toàn bộ người dân.
F0 Covid-19 gia tăng, TP.HCM thực hiện chiến lược đánh chặn dịch từ xa |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Hà Nội rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi AstraZeneca xuống 4 tuần. Theo đó, thay vì khoảng cách tối thiểu 8 tuần như trước đây, người tiêm vắc xin AstraZeneca sẽ rút xuống 4 tuần khoảng cách giữa 2 mũi tiêm. Theo CDC Hà Nội, việc đề xuất phương án này nhằm hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân nhanh nhất, an toàn và hiệu quả, đáp ứng công tác phòng, chống dịch, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Đề xuất này cũng dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trong văn bản gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Theo đó, đối với vắc xin AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị triển khai tiêm mũi 2 sau mũi 1 từ 4 tuần trở lên. CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 93%, gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi.
Bình luận (0)