Tình hình Covid-19 hôm nay 15.3: Ca mắc mới cả nước tăng cao, Hà Nội giảm nhiều

15/03/2022 19:40 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước ghi nhận 175.468 ca trong nước, tăng 14.221 ca so với ngày trước đó; Hà Nội ghi nhận 26.708 ca, giảm gần 6.000 ca so với ngày lập "đỉnh" vào 8.3.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 175.468 ca mắc Covid-19, 68 bệnh nhân tử vong. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 14.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 175.480 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 175.468 ca ghi nhận trong nước (tăng 14.221 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 26.708 ca, Nghệ An 10.752 ca, Phú Thọ 9.062 ca, Hải Dương 5.464 ca, Bắc Ninh 5.007 ca, Thái Nguyên 4.920 ca, Hưng Yên 4.906 ca, Hòa Bình 4.846 ca, Sơn La 4.827 ca, Lạng Sơn 4.584 ca, Cà Mau 4.476 ca, Lào Cai 4.238 ca, Hà Giang 4.025 ca, Tuyên Quang 3.987 ca, Đắk Lắk 3.980 ca, Điện Biên 3.296 ca, Bình Dương 3.294 ca, Cao Bằng 3.056 ca, Quảng Bình 3.024 ca.

Ngày 15.3: Cả nước 175.480 ca Covid-19, 111.164 ca khỏi | Hà Nội 26.708 ca | TP.HCM 2.246 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội giảm 3.125 ca, Bắc Ninh giảm 2.464 ca, Bến Tre giảm 1.019 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang tăng 4.025 ca, Gia Lai tăng 2.872 ca, Phú Thọ tăng 2.065 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 111.164 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 4.269 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua ghi nhận 68 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (1 ca từ Trà Vinh chuyển đến), Hà Nội 10 ca, Quảng Ninh 8 ca, Bình Định 6 ca, Bắc Giang và Bạc Liêu mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi nơi ghi nhận 3 ca, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang, Nam Định, Quảng Trị mỗi nơi ghi nhận 2 ca…

Hà Nội mở lại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ 18.3 sau gần 1 năm dừng hoạt động vì dịch bệnh

ngọc thắng

Số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong ngày tại Hà Nội có dấu hiệu giảm dần. Hôm nay 15.3, Hà Nội ghi nhận 26.708 ca bệnh, giảm gần 6.000 ca so với ngày số ca lập "đỉnh" vào 8.3. Bệnh nhân phân bố tại 503 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận trên 1.500 ca bệnh mới trong ngày gồm: Đông Anh 1.762 ca, Sóc Sơn 1.736 ca, Hai Bà Trưng 1.612 ca, Thạch Thất 1.510 ca, Cầu Giấy 1.413 ca. Đáng chú ý, số ca mắc mới trong ngày dù vẫn ở mức cao nhất cả nước, song đang giảm dần đều tính từ ngày 12.3 tới nay.

Cụ thể, ngày 12.3, Hà Nội ghi nhận 30.693 ca mắc mới trong ngày, ngày 13.3 giảm còn 29.269 ca mắc mới. Hôm 14.3, số ca mắc mới giảm gần 2.000 ca, ghi nhận 27.833 ca trong ngày. Hôm nay 15.3, Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới giảm còn 26.708 ca. Theo một chuyên gia y tế, dù còn khá sớm để đưa ra kết luận, song dịch tại Hà Nội có thể đã đạt đỉnh và theo chu kỳ đang có dấu hiệu giảm nhiệt dần. Nếu theo biểu đồ số ca mắc mới, đỉnh dịch thành phố ghi nhận là ngày 8.3 với số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay, 32.650 ca bệnh. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021 đến 15.3) là 866.099 ca.

Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vắc xin để xảy ra hậu quả. Văn phòng Chính phủ hôm nay 15.3 vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2022. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thần tốc hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm trễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19.1.2022 và các văn bản có liên quan.

Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi thứ 4 như Thủ tướng đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền. Thủ tướng yêu cầu nếu thiếu vắc xin để xảy ra hậu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng. Tuần trước, tại Văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5.2.2022 của Chính phủ về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định. Tiếp theo, tại Văn bản 1504/VPCP-KGVX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong ngày 10.3 phải báo cáo giải trình việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vắc xin Covid-19 để xảy ra hậu quả

Ninh Bình bắt nhiều vụ buôn bán, vận chuyển vật tư y tế phòng dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc. Thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, từ ngày 1.2 đến 8.3, các đơn vị thuộc công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang 13 vụ vận chuyển, buôn bán thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa theo khai báo lên tới 2,2 tỉ đồng. Số vật tư y tế được phát hiện, tịch thu do không có giấy tờ theo quy định trong 13 vụ việc được phát hiện, gồm: 5.760 bộ kit test nhanh Covid-19, 11.500 đôi găng tay, 29.300 khẩu trang y tế, 23.000 hộp thuốc kháng sinh các loại, 60 viên thuốc kháng virus Covid-19, 570 hộp xông tinh dầu, 100 chai xịt họng, 450 chai tinh dầu xịt kháng khuẩn.

Gần đây nhất, tối 9.3, Công an TP.Tam Điệp kiểm tra, phát hiện tài xế Lê Bá Linh Vĩ (Hà Nội) điều khiển ô tô vận chuyển 800 hộp thuốc điều trị Covid-19 có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài. Tài xế Vĩ khai nhận đã tìm hiểu thông tin về các loại thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội, sau đó mua thuốc đưa đến TP.Tam Điệp bán kiếm lời. Trước đó, sáng 20.2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an TP.Ninh Bình phát hiện tài xế Nguyễn Bá Hợp (Hà Nội) điều khiển ô tô tải vận chuyển 23.000 hộp thuốc kháng sinh, 140 bộ kit test nhanh Covid-19, gần 600 hộp xông tinh dầu kháng Covid-19, 450 chai tinh dầu xịt kháng khuẩn, 60 viên thuốc kháng virus Covid-19, tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng. Tài xế Hợp không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.

Lạng Sơn bắt xe đầu kéo chở hàng nghìn bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc. Sáng 15.3, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan này vừa phát hiện, tạm giữ hàng nghìn bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ để xác minh, xử lý. Trước đó, khoảng 17 giờ 30 ngày 10.3, Trạm Cảnh sát giao thông Tùng Diễn (thuộc PC08 Công an tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra xe đầu kéo BS 12C-100.05, kéo theo rơ-móoc 12R-009.96 do tài xế V.V.T (29 tuổi, trú H.Lộc Bình, Lạng Sơn) điều khiển, đang lưu thông theo hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Thời điểm kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện trên xe chở hơn 2.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên Covid-19. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị lô hàng ước tính khoảng 70 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ số kit test Covid-19 kể trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Quảng Trị gia hạn thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm Covid-19. Ngày 15.3, nguồn tin của Thanh Niên cho hay Chánh thanh tra tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Kiên đã ra quyết định gia hạn thời gian thanh tra theo quyết định số 69/QĐ-TTr ngày 24.1 của Chánh thanh tra tỉnh về thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19. Thời gian gia hạn là 30 ngày làm việc, kể từ ngày 17.3. Trước đó, ngày 27.1, tại Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã công bố quyết định thanh tra chuyên đề nêu trên.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, việc thanh tra không phải là đột xuất, mà mọi năm vẫn diễn ra. Sau khi công bố quyết định thanh tra, các đơn vị liên quan sẽ giao sổ sách, tài liệu liên quan để Thanh tra tỉnh Quảng Trị kiểm tra về quy trình mua sắm… Như Thanh Niên đã thông tin, quá trình phòng chống dịch Covid-19, CDC Quảng Trị và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã dùng ngân sách mua hơn 30 tỉ đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á tại Công ty Cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trong đó, CDC Quảng Trị mua hơn 14,4 tỉ đồng, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị mua gần 16 tỉ đồng. Việc mua các gói thầu kit test theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Bao lâu thì F0 không còn lây truyền cho người khác?

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay: Lưu ý 11 dấu hiệu bất thường ở trẻ em mắc Covid-19 dưới 5 tuổi và 12 dấu hiệu bất thường của trẻ từ 5 đến 16 tuổi. Trong quyết định về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 ngày 14.3, Bộ Y tế chỉ đạo theo dõi sức khỏe của 3 nhóm tuổi: dưới 5 tuổi, từ 5 đến 16 tuổi và trên 16 tuổi nhằm phát hiện những bất thường để xử trí kịp thời. Hướng dẫn nêu rõ, khi trẻ em mắc Covid-19, cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa. Cần nhận biết 11 dấu hiệu bất thường ở trẻ em mắc Covid-19 dưới 5 tuổi. Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh. Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ theo dõi các dấu hiệu của trẻ từ 5 đến 16 tuổi: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác. Đặc biệt, cần nhận biết 12 dấu hiệu bất thường, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà: Trạm y tế xã, phường hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.