Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 8.004 ca mắc mới. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 26.4 đến 16 giờ hôm nay 27.4, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.004 ca nhiễm trong nước (giảm 427 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 200 ca bệnh: Hà Nội 921 ca, Phú Thọ 544 ca, Nghệ An 351 ca, Yên Bái 350 ca, Đắk Lắk 327 ca, Quảng Ninh 304 ca, Vĩnh Phúc 299 ca, Lào Cai 297 ca, Hải Dương 292 ca, Tuyên Quang 250 ca, Gia Lai 245 ca, Quảng Bình 230 ca, Thái Nguyên 227 ca, Bắc Kạn 213 ca, Thái Bình 202 ca.
Các tỉnh, thành có số mắc mới dưới 100 ca: Hà Nam 96 ca, Hải Phòng 90 ca, Vĩnh Long 86 ca, Quảng Trị 84 ca, Hòa Bình 83 ca, Lai Châu 79 ca, Điện Biên 75 ca, Bình Phước 61 ca, Tây Ninh 58 ca, Quảng Ngãi 49 ca, Bình Định 48 ca, TP.HCM 48 ca, Thanh Hóa 47 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 45 ca, Đắk Nông 41 ca, Khánh Hòa 35 ca, Quảng Nam 29 ca, Bình Dương 28 ca, Cà Mau 23 ca, Phú Yên 20 ca, Đồng Tháp 20 ca, Bình Thuận 19 ca, Thừa Thiên - Huế 15 ca, Kiên Giang 14 ca, Long An 9 ca, An Giang 9 ca, Trà Vinh 8 ca, Đồng Nai 3 ca, Bạc Liêu 3 ca, Hậu Giang 2 ca, Cần Thơ 1 ca.
Ngày 27.4: Công bố 11.313 ca Covid-19, 46.907 ca khỏi | Hà Nội 921 ca | TP.HCM 48 ca |
Học sinh Đà Nẵng ngồi chờ ở khu vực theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19 |
hoàng sơn |
Hôm nay, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 3.309 ca sau khi rà soát đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ giảm 158 ca, Hà Tĩnh giảm 116 ca, Quảng Ninh giảm 104 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng tăng 169 ca, Bến Tre tăng 144 ca, Quảng Bình tăng 72 ca.
Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 46.907 bệnh nhân khỏi bệnh. Có 624 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 52 ca thở máy xâm lấn và 1 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 5 ca tử vong tại 5 tỉnh: Bến Tre, Đắk Lắk, Đồng Nai, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 7 ca/ngày. Đây là số tử vong thấp, duy trì trong khoảng 2 tuần gần đây.
Tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu từ hôm nay. Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh đề nghị tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu từ 0 giờ ngày 27.4. Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng SARS- CoV-2 đang lưu hành. Thời gian gần đây, dịch đã có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Trước đó, theo quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, tất cả hành khách khi nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính và khai báo y tế trên trang web tokhaiyte.vn. Việc kiểm tra 2 nội dung này đối với hành khách nhập cảnh tại khu vực kiểm dịch y tế có thể gây ùn tắc do hành khách phải chờ đợi lâu, nhất là vào những thời điểm có nhiều chuyến bay đáp cùng lúc, một thực tế khá phổ biến hiện nay là có nhiều hành khách đã không khai báo trước khi lên máy bay, hoặc khai báo sai, phải khai báo lại.
Bản tin Covid-19 ngày 27.4: Cả nước hơn 10,6 triệu ca | Tạm dừng khai báo y tế với người nhập cảnh |
Vắc xin đã giúp trở lại trạng thái bình thường. Ngày 27.4, diễn ra hội thảo khu vực châu Á về “Hiệu quả bảo vệ của các vắc xin Covid-19” do mạng lưới TROPMED của các Bộ trưởng Giáo dục khu vực Đông Nam Á (SEAMEO - Thái Lan) và Đại học Y sĩ Philippines tổ chức trực tuyến. GS Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam chia sẻ, các loại vắc xin phòng Covid-19 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ mạng sống của người dân, cũng như giúp các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á phần nào trở lại trạng thái bình thường trong năm vừa qua.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, khả năng bảo vệ cơ thể trước các diễn tiến nghiêm trọng của Covid-19 là thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vắc xin Covid-19. Sau tiêm chủng, mức độ kháng thể trong máu sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng những cơ chế bảo vệ khác của cơ thể không bị suy giảm nhanh như vậy. Chúng sẽ giúp cơ thể chống đỡ sau khi bị vi rút xâm nhập, từ đó giảm nguy cơ dẫn tới các hệ quả nghiêm trọng. “Giờ đây, chúng ta có thể yên tâm hơn khi thấy rằng hiệu quả ngăn ngừa nhập viện và tử vong là tương đương ở các loại vắc xin phòng Covid-19 hiện đang được sử dụng rộng rãi nhất”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá một số loại vắc xin phòng Covid-19 hiện tại có khả năng bảo vệ tương đương nhau trước nguy cơ nhập viện (từ 91,3 - 92,5%) và bảo vệ trước nguy cơ tử vong (91,4 - 93.3%) bất kể ở độ tuổi nào, với các chủng đã và đang lưu hành (Delta, Omicron).
TP.HCM triển khai dự án hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi Covid-19. Sáng 27.4, tại TP.HCM diễn ra hội nghị công bố triển khai dự án “Ứng phó khẩn cấp giảm tác động của đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam Việt Nam". Dự án do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản, Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM làm chủ dự án và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (tổ chức Save the Children - SCI) tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,9 tỉ đồng; được thực hiện từ nay đến tháng 11.2022. Mục tiêu của dự án là 600 trẻ em và gia đình được hưởng lợi trực tiếp thông qua các hoạt động gồm: hỗ trợ lương thực, thực phẩm và sinh kế cho trẻ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phương tiện học tập (máy tính, xe đạp...) cho trẻ; hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị tác động bởi dịch Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp...
Phát biểu tại hội nghị, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho hay trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay cần có các chương trình can thiệp và trợ giúp toàn diện hơn, theo đúng nhu cầu thực tế của trẻ. Tại TP.HCM, dự án được triển khai trên địa bàn quận: Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú. Ngoài ra, dự án này cũng hỗ trợ cho 300 trẻ em và gia đình tại tỉnh Bình Dương.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, dịch bệnh thay đổi, đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT giảm mạnh. Tình hình dịch Covid-19 đã thay đổi nên đối tượng thí sinh có liên quan đến dịch bệnh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm đáng kể so với năm ngoái. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021, ngoài thí sinh thuộc diện F0, Bộ GD-ĐT đã quyết định xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho những thí sinh F1, F2 và thí sinh ở vùng đang bị phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, 44 tỉnh, thành có thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2. Đồng Tháp là tỉnh có số thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT, được xét đặc cách tốt nghiệp nhiều nhất với 4.684 thí sinh. Năm nay, diễn biến và cách thức chống dịch đến nay đã thay đổi rất nhiều, F1 cũng không còn phải cách ly y tế, cả nước không còn thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch như 2 năm trước. Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng không đề cập tới việc miễn thi cho những thí sinh diện F1, F2 và thí sinh ở vùng đang bị phong tỏa, giãn cách... Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thời điểm này Bộ GD-ĐT không đặt ra việc sẽ tổ chức thi 2 đợt. Nguyên tắc là học sinh nào thuộc diện F0 vào thời điểm kỳ thi diễn ra sẽ coi là bệnh nhân và được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo đúng quy chế thi.
Bình luận (0)