Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin Covid-19 và cung ứng thuốc điều trị. Hôm nay, 5.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là những giải pháp hết sức cơ bản, quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng chỉ đạo thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin và cung ứng thuốc điều trị Covid-19 |
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin,… tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch. “Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân ở TP.HCM |
sỹ đông |
Chậm nhất tháng 12 tiêm xong 2 mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi. Tại cuộc họp ngày 5.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 này phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc xin. Trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc xin Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3.12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước, và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2.12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm: Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…
Bộ Y tế hỏa tốc 'thúc' các tỉnh đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 |
Vĩnh Long lập danh sách tiêm vắc xin mũi 3 ngừa Covid-19. Ngày 5.12, tin từ Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của tỉnh đạt rất cao. Cụ thể, mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90,5% (người trên 18 tuổi đạt 88,9%, trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt 92,2%).
Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long có công văn khẩn gửi các sở ban ngành và các địa phương về việc lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3. Theo đó, các đối tượng ưu tiên gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống; lực lượng quân đội, công an; người làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá...; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi và người thân của cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19.
Bộ Quốc phòng tăng cường y, bác sĩ hỗ trợ Sóc Trăng phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 5.12, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết Bộ Quốc phòng vừa tăng cường 39 y, bác sĩ thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến vô cùng phức tạp, ca nhiễm liên tục tăng cao. Tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 bổ sung và tiêm nhắc lại cho lực lượng ưu tiên tuyến đầu chống dịch, người trên 50 tuổi và người có bệnh nền. Do đó, đoàn y, bác sĩ được tăng cường sẽ hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, phối hợp chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở các tuyến.
Lâm Đồng vượt 4.000 ca mắc Covid-19, 11 ca tử vong. Sáng 5.12, ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết toàn tỉnh ghi nhận thêm 176 ca Covid-19 mới. Trong đó, H.Đức Trọng nhiều nhất với 36 ca, H.Đơn Dương 33 ca, H.Lâm Hà 24 ca, TP.Đà Lạt 22 ca, H.Di Linh 21 ca, H.Đạ Huoai 12 ca…
Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 4.162 ca Covid-19; trong đó đã ra viện 1.351 ca. Đến nay Lâm Đồng có tổng cộng 11 ca tử vong vì Covid-19. Bệnh nhân Covid-19 thứ 11 tử vong là bà L.T.T (80 tuổi, ngụ thôn R’chai 2, xã Phú Hội, H.Đức Trọng).
Thừa Thiên - Huế tầm soát toàn dân, xác định ca nhiễm Covid-19 tăng gần gấp đôi. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố số liệu tính đến chiều tối qua 4.12 tại địa phương cho thấy, chỉ trong ngày hôm qua (4.12), có thêm 339 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận, tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó (3.12).
Theo PGS-TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện nhiều là do tỉnh đang huy động tổng lực để tầm soát diện rộng. Cụ thể, trong ngày 4.12 địa phương đã test nhanh kháng nguyên 11.524 trường hợp (phát hiện 159 trường hợp dương tính), xét nghiệm PCR 4.147 trường hợp (phá hiện 339 dương tính, đang chờ kết quả 2.328 trường hợp, còn lại âm tính). Riêng tại TP.Huế, trong 5 ngày thực hiện tuần cao điểm tầm soát Covid-19 (từ 29.11 đến 3.12) ghi nhận thêm 1.062 trường hợp dương tính qua test nhanh.
F0 mắc Covid-19 cách ly tại nhà cần thêm thuốc gì ngoài gói thuốc A, B, C? |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM hướng dẫn thuốc không kê đơn cho F0 điều trị tại nhà. Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, ngoài 3 gói thuốc A (vitamin, giảm đau hạ sốt), thuốc B (kháng viêm, kháng đông chỉ uống 1 liều duy nhất khi có chỉ định) và C (kháng vi rút uống theo chỉ định bác sĩ), F0 cách ly tại nhà có thể sử dụng các thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng thường gặp. Các loại thuốc bao gồm: Thuốc chống sung huyết làm giảm nghẹt mũi; Thuốc kháng histamin giúp giảm tiết nước mũi; Thuốc ức chế ho; Thuốc long đàm, tan đàm; Dung dịch bù nước, điện giải; Thuốc hỗ trợ điều trị...
Bình luận (0)