Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 16 giờ ngày 25.4 đến 16 giờ ngày 26.4, TP.HCM ghi nhận 301 ca mắc mới Covid-19. Trong số này có 94 ca nhập viện, 34 ca xuất viện. Hiện các bệnh viện đang điều trị cho 311 ca, có 102 ca cần hỗ trợ hô hấp.
Theo HCDC, số ca mắc, nhập viện do Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Để phòng bệnh, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ).
Áp dụng tháp 3 tầng trong điều trị Covid-19
Trong ngày 26.4, Sở Y tế TP.HCM tổ chức tập huấn trực tuyến cho các bệnh viện bộ ngành, bệnh viện công lập, ngoài công lập và trung tâm y tế trên địa bàn về vấn đề thu dung và điều trị Covid-19 ở người lớn và trẻ em. Buổi tập huấn do TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế chủ trì.
Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Số ca bệnh nhập viện điều trị bắt đầu tăng trở lại. Do đó, các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để công tác tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ diễn tiến nặng.
Hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 tại TP.HCM tiếp tục được thực hiện theo mô hình "tháp 3 tầng". Tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 mức độ vừa và nặng; tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.
11 nguyên tắc điều trị Covid-19 trẻ em
Về việc tiếp nhận và điều trị Covid-19 ở trẻ em, tại buổi tập huấn, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết cần tuân thủ 11 nguyên tắc:
- Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.
- Phân loại trẻ bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh.
- Tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn.
- Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch.
- Điều trị nguyên nhân: thuốc kháng vi rút.
- Điều trị cơn bão cytokin: corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor.
- Điều trị chống đông ở trẻ em cần cân nhắc cẩn thận, nhất là ở trẻ dưới 12 tuổi.
- Kháng sinh/kháng nấm: khi có bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm.
- Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau…
- Điều trị bệnh nền nếu có.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ cần chỉ định nhập viện đối với trẻ em mắc Covid-19. Thứ nhất là trường hợp trẻ mắc Covid-19 được chẩn đoán mức độ nhẹ nhưng đang có diễn tiến thành trung bình, nặng hoặc nguy kịch.
Thứ hai là trường hợp trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ có kèm theo một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ hoặc sốt cao liên tục trên 3 ngày; có các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân (nôn tất cả mọi thứ, li bì khó đánh thức, bỏ ăn bỏ bú, co giật); đau tức ngực; thở nhanh, thở bất thường; ô xy máu (SpO2) nhỏ hơn 95% hoặc các dấu hiệu cảnh báo của bệnh đồng nhiễm…
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Hải Đường, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc điều trị phân theo mức độ nhiễm Covid-19 của người bệnh là người lớn.
Bác sĩ Đường hướng dẫn việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 như thuốc kháng vi rút, thuốc corticoid, thuốc điều trị kháng đông, và các phương pháp hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân Covid-19, nhất là nội dung chỉ định và chống chỉ định khi sử dụng ECMO.
Bình luận (0)