Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa có báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM.
Về dịch bệnh Covid-19, tính từ 16 giờ ngày 9.6 đến 16 giờ ngày 10.6, TP.HCM ghi nhận 3 ca mắc mới Covid-19. Hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị cho 64 ca, trong đó có 20 ca cần hỗ trợ hô hấp.
HCDC kêu gọi, để phòng bệnh, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ).
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, đoàn giám sát của HCDC trong tuần qua đã đi giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại một số quận, huyện. Như tại P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức là một trong những phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên địa bàn TP.Thủ Đức, đoàn đã giám sát 6 điểm nguy cơ, trong đó phát hiện 4 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 67%.
P.Hiệp Thành, Q.12 là phường có số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy cao nhất trên địa bàn Q.12 năm 2023 tính đến thời điểm này. Đoàn đã giám sát 4 điểm nguy cơ, trong đó có 2 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 50%.
Theo HCDC, TP.HCM đang bước vào mùa mưa, qua công tác giám sát phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, HCDC ghi nhận các địa phương còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng. Việc rà soát, phân loại và xử lý các điểm nguy cơ là rất quan trọng, cần sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Xử lý được nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh là giải pháp rất căn cơ để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết.
HCDC đề nghị các trạm y tế cần tăng cường rà soát, đánh giá, xếp loại các điểm nguy cơ theo hướng dẫn mới của HCDC, qua đó tham mưu kế hoạch giám sát điểm nguy cơ trình UBND phường, xã phân công nhân sự thực hiện. Các trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện tăng cường phổ biến việc phản ánh điểm nguy cơ lên app "Y tế trực tuyến" khi phát hiện điểm nguy cơ mà chưa được giải quyết.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, HCDC kêu gọi mỗi người dân tích cực phòng chống sốt xuất huyết; cần phải chủ động phát hiện và xử lý sớm những vật chứa có thể đọng nước trong mỗi nơi ở và làm việc của mình để muỗi không có nơi sinh sản, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo đó, mỗi tuần dành 10 - 15 phút để dọn dẹp các vật phế thải ứ đọng nước, thay nước bình hoa, cọ rửa và úp các vật chứa dùng trong sinh hoạt như xô, chậu, thau để ngoài trời.
Bình luận (0)