Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM về tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM cho thấy, 2 loại dịch bệnh "hoành hành" trước đó nay đã hạ nhiệt rõ rệt.
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Theo số liệu báo cáo ngày mới nhất, trong ngày 16.12, qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP phát hiện có 16 ca mắc Covid-19 (trong đó đã bổ sung 6 ca mắc mới từ các ngày trước) và cũng đã có 16 ca nhập viện điều trị.
Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang tiếp nhận, điều trị 129 ca mắc Covid-19. Trong đó có 51 ca cần hỗ trợ hô hấp, 5 ca đang thở máy xâm lấn, 2 trẻ em dưới 16 tuổi. Ngoài ra còn có 239 ca đang cách ly tại nhà.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết
Trong ngày 16.12, hệ thống giám sát của HCDC phát hiện có 101 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó đã bổ sung 20 ca mắc mới từ các ngày trước).
Số ca sốt xuất nhập viện trong ngày vào các bệnh viện tại TP là 166 ca (122 ca cư trú tại TP).
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM hạ nhiệt |
DUY TÍNH |
Hiện, các bệnh viện đang điều trị 653 ca sốt xuất huyết (482 ca cư trú tại TP). Trong đó có 406 ca là người lớn (16 ca phụ nữ mang thai), 247 ca trẻ em.
Có 61 ca sốt xuất huyết nặng (theo định nghĩa ca nặng của Bộ Y tế), trong đó có 35 ca sống tại TP; 12 ca đang thở máy xâm lấn (4 ca cư trú tại TP); 4 ca đang được lọc máu.
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 16.12, TP.HCM có 79.458 ca mắc sốt xuất huyết - tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021; 1.930 ca nặng (chiếm tỷ lệ 2,46%), tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần thứ 50 (từ ngày 5 - 11.12), TP ghi nhận 1.100 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, số ca điều trị nội trú giảm 18,7% và ngoại trú giảm 10,5%.
Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, riêng tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi tương đương so với cùng kỳ năm trước. Dự báo các bệnh này sẽ giảm và duy trì ổn định trong thời gian tới.
Tình hình tiêm vắc xin Covid-19
Trong ngày 16.12, toàn TP đã tiêm được 2.548 mũi vắc xin Covid-19, bao gồm 526 mũi 1; 2.019 mũi 2; 3 mũi nhắc lần 2.
Tính đến hết ngày 16.12, toàn TP đã tiêm được hơn 23,5 triệu mũi vắc xin Covid-19. Trong đó có hơn 8 triệu mũi 1, hơn 7,7 triệu mũi 2, 683.205 mũi bổ sung, hơn 4,8 triệu mũi nhắc lần 1 và hơn 1 triệu mũi nhắc lần 2.
Về tình hình cung ứng vắc xin, hiện TP còn 50.757 liều, trong đó có 22.327 liều Verocell - Sinopharm, 20.700 liều Moderna (dùng cho trẻ em), 7.730 liều Pfizer (dùng cho trẻ em).
Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã triển khai
TP.HCM duy trì hệ thống giám sát, quản lý dữ liệu, báo cáo bệnh truyền nhiễm và giám sát lưu hành biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, giám sát lưu hành kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2, lấy mẫu tại một số bệnh viện.
TP tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND TP. Giám sát hoạt động tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một số địa phương.
Tiếp tục thực hiện truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, tiêm phòng Covid-19 trên các phương tiện thông tin của ngành y tế TP.
Tiếp tục thực hiện giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết tại các quận, huyện trên địa bàn TP. Giám sát kết quả xử lý phản ánh của các quận huyện.
Ngày 19.12, phụ huynh đưa con đi uống vitamin A
Từ ngày 19 - 30.12, TP.HCM triển khai cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi uống bù vitamin A đợt 2 (ngày 1 và 2.12 hoãn vì chưa có thuốc).
Nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, mỗi năm Bộ Y tế đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A vào tháng 6 và tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Việc uống vitamin A cho trẻ được thực hiện tại trạm y tế phường/xã. Trong một số điều kiện nhất định, trường học cũng phối hợp với ngành y tế địa phương để tổ chức cho trẻ uống vitamin A. Phụ huynh cần lưu ý mỗi đợt chỉ uống 1 lần duy nhất.
Trẻ thiếu vitamin A thường chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn. Trong một số trường hợp nếu vitamin A được bổ sung bằng thực phẩm không đủ, cần phải bổ sung vitamin A liều cao bằng thuốc tùy vào mức độ thiếu hụt của mỗi người.
Bình luận