Tình hình dịch HIV/AIDS ở TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp

Duy Tính
Duy Tính
30/11/2024 13:01 GMT+7

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng.

TP.HCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý

Ngày 30.11, UBND TP.HCM tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và ngày thế giới phòng, chống AIDS (1.12). Chủ đề của năm nay là "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Tại lễ mít tinh, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến tháng 9.2024, TP.HCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV.

Tình hình dịch HIV/AIDS ở TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp- Ảnh 1.

Nâng cao trách nhiệm phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng

ẢNH: DUY TÍNH

Theo kết quả giám sát trọng điểm HIV định kỳ hàng năm tại TP.HCM, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%; nhóm phụ nữ mại dâm 3%; nhóm nghiện chích ma túy trên 11%... Xu hướng nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu.

Theo TS-BS Vĩnh Châu, hơn 30 năm qua, TP.HCM nỗ lực triển khai toàn diện hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng chống HIV/ADIS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai mạnh mẽ. Truyền thông thay đổi hành vi và giảm kỳ thị với người bệnh. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, tự xét nghiệm HIV. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị. Triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, hệ thống y tế tư nhân…

Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM từng bước được kiểm soát. Số người nhiễm HIV mới, số người chuyển qua AIDS và tử vong liên quan HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.

Tình hình dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở nhóm thanh niên trẻ

"TP.HCM cũng đã đạt được những thành quả nhất định với mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025. Theo đó, mục tiêu 95 thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình), TP.HCM đã đạt được 93,5%. Mục tiêu 95 thứ hai (95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV), TP.HCM đã đạt được 92,8%. Mục tiêu 95 thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), TP.HCM đã đạt được 98%", TS-BS Vĩnh Châu thông tin.

Tuy nhiên, theo TS-BS Vĩnh Châu, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiễm nhiều ở nhóm thanh niên trẻ, đặc biệt là nhóm nam thanh niên quan hệ tình dục đồng giới.

Trong khi đó, nguồn lực quốc tế tài trợ cho phòng chống HIV/AIDS cắt giảm. Do đó, việc giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua cũng như hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 là thách thức lớn đối với TP.HCM.

Chính vì vậy, TP.HCM luôn xác định phòng chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Trên cơ sở xác định nhu cầu hoạt động thiết yếu và khả năng đáp ứng của TP.HCM, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, TP.HCM bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình diễn tiến dịch bệnh.

Năm 2021, tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua tuyên bố chính trị với mục tiêu: Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.