Muốn vượt quãng đường non trăm km, người dân phải đánh vật với nhiều đoạn lầy lội, đầy ổ voi. Nhiều chiếc xe ô tô hai cầu chạy trên đoạn đường này cũng chịu chung thảm cảnh, lắm khi tài xế không thể kiểm soát được tay lái. Có không ít xe chở hàng phải mất cả triệu đồng thuê xe kéo mới thoát được quãng đường lầy lội. Anh Hoàng, một người dân từ TP Pleiku vào buôn bán thực phẩm ở khu vực này ngán ngẩm: “Mỗi khi vượt qua được đoạn đường này, ai cũng bị trượt té cả chục lần. Ra đến quốc lộ cả người lấm lem như đi… làm ruộng về!”.
Hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau nhích từng mét một |
Mặc dù vào mùa nắng, đường được tu sửa nhưng do thi công tạm bợ nên đến mùa mưa, nước cuốn trôi lớp đất mặt đường, con đường lại nham nhở ao bùn như cũ. Theo nhiều người dân, ngoài việc tu sửa sơ sài, con đường này còn gồng mình chịu nhiều chuyến xe chở gỗ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến đường xấu lại càng xấu. Thời điểm này ở Tây Nguyên vẫn là mùa mưa. Hàng đoàn người lưu thông trên tỉnh lộ 665 được ví như…. “nghệ sĩ” bởi xe máy cứ ngả nghiêng, lao xuống vệ đường vì trơn trượt.
Đường xuống cấp nặng khiến nông sản của người dân sản xuất ra không thể buôn bán thuận lợi, bị thương lái ép giá vì lý do đường xấu, vận chuyển khó khăn. Có nhiều gia đình không thể bán được nông sản vì những ngày trời mưa không có xe tải nào dám vượt qua con đường này vào vận chuyển. Hay chuyện đi chữa bệnh, mua phân bón… của người dân cũng gặp trở ngại lớn. Chị Nguyễn Thị Hải, một người dân ở xã Ia Mơr, nói rằng một số thực phẩm như thịt heo, cá… tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với ở thị trấn vào những ngày mưa là bình thường, trong khi người dân ở đây đa số có thu nhập thấp.
Con đường ngắn nhưng gây ảnh hưởng lớn đến dân sinh từ nhiều năm nay đang rất cần các ngành chức năng ở Gia Lai quan tâm, cho sửa chữa, nâng cấp.
Bài và ảnh: Trần Hiếu
Bình luận (0)