Tính năng bảo mật khiến MacBook cũ thành rác công nghệ

30/01/2023 09:52 GMT+7

Những mẫu MacBook cũ dù mới chỉ 1 - 2 năm tuổi vẫn có thể thành rác công nghệ vì Apple thắt chặt tính năng bảo mật trên hệ điều hành.

MacBook cũ đã qua sử dụng, tân trang luôn là một ngành kinh doanh sinh lời cho giới buôn thiết bị từ nhiều năm qua vì được giá và dễ tìm người mua. Tuy nhiên, hoạt động này đang "ngấm" ảnh hưởng từ các chính sách bảo mật mới đến từ Apple.

Theo John Bumstead - chủ công ty tân trang máy tính RDKL (Mỹ), tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn hơn từ khi Apple áp dụng khóa kích hoạt Activation Locked cùng những tính năng bảo mật tích hợp trên con chip, đặc biệt là từ thế hệ máy sử dụng bộ xử lý dòng M do chính hãng sản xuất.

MacBook cũ khoá kích hoạt dễ trở thành rác

MacBook cũ khóa kích hoạt dễ trở thành rác

John Bumstead

"Bao nhiêu người muốn sở hữu MacBook M1 chỉ 2 năm tuổi? Nhưng điều tệ hại là các nhà tái chế đang phải nghiền chúng thành bụi", John than thở trên Twitter cá nhân.

Công việc thường nhật tại công ty của John là tái sử dụng, thay thế các bộ phận đã hư hỏng trên MacBook cũ để đưa những model với giá thấp hơn đến người dùng có nhu cầu. Không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, hoạt động tái sử dụng còn giúp giảm rác thải điện tử - một vấn nạn của ngành công nghiệp di động hiện nay. Tuy nhiên, với loạt tính năng bảo mật mới, nghiền vụn MacBook cũ do không thể tái sử dụng lại trở thành giải pháp duy nhất, bất chấp những model đó mới sản xuất gần đây và còn trong điều kiện hoạt động tốt.

Từ 2015 - 2016, Apple bắt đầu gắn liền ổ cứng vào bo mạch chủ của MacBook khiến việc thay thế linh kiện khó khăn hơn. Hai năm sau, hãng lại khóa thông tin vào con chip có tên T2 đi cùng chip Intel, rồi tiến tới tích hợp thẳng vào chip M khiến việc tái chế máy bị khóa thành bất khả thi. Giờ đây, đến bảng mạch cũng bị khóa kích hoạt và trở nên vô giá trị, thậm chí người dùng không thể bật được MacBook từ đời 2018 trở về sau trong trường hợp đã khóa vì máy ngăn khởi động từ thiết bị ngoại vi.

Khóa kích hoạt là "đặc sản" nổi tiếng của Apple, có mặt trong hệ sinh thái OS của hãng, từ iPhone, iPad, MacBook, Watch... nhằm ngăn việc sử dụng thiết bị không chính chủ. Nếu không có tài khoản iCloud của chủ máy đã gắn vào trước đó, thiết bị sẽ thành "cục gạch" dù có cài lại phần mềm.

Tuy vậy, tình trạng khóa MacBook cũ có thể được xử lý đơn giản trong các giao dịch cá nhân vì người mua lại làm việc trực tiếp với người bán, dễ dàng trao đổi. Trong trường hợp của John Bumstead là công ty hay ở những cửa hàng kinh doanh lớn, nguồn hàng của họ đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, trường học... thanh lý máy với số lượng lớn và việc liên hệ để nhờ hỗ trợ mở khóa trở nên khó khăn hơn.

"Bypass iCloud" (bẻ khóa) là hướng giải quyết bất hợp pháp được sử dụng bởi một số cửa hàng nhỏ lẻ, trong khi các đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh máy qua tay không áp dụng. Một giải pháp khác để "cứu" những chiếc MacBook cũ khỏi trở thành rác thải với số phận bị nghiền nát là yêu cầu sự can thiệp từ Apple. Nhưng với cách này, doanh nghiệp phải chứng minh được hoạt động giao dịch, đồng thời chờ hãng liên hệ với chủ sở hữu ban đầu để truy vấn nguồn gốc. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức này không có khiếu nại, Apple có thể giúp mở khóa thiết bị nhưng toàn bộ quy trình sẽ kéo dài tới cả tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.