Tình người châu thổ

29/10/2022 18:00 GMT+7

Tía biểu, bởi xuất thân tay không mở đất, trải nhiều cơ cực nguy nan trên đường lưu xứ mà người miền Tây quê tôi thừa hưởng cái chất bản lĩnh, tính ngang tàng: thích nghi nhanh, giỏi xoay sở ứng biến trước điều kiện khắc nghiệt và dễ chấp nhận cái mới.

1. Theo dòng lưu dân sang đất Việt năm xưa, gia tài của ông tổ tôi chỉ có cặp hui ná. Cùng chiếc đòn gánh, ông mang đôi giỏ hoa đan tre đựng nào vải vóc, kim chỉ, trà thuốc... của mình từ miền Thuận Quảng vừa buôn bán vừa lần hồi xuôi xuống vùng đất mới phương Nam lúc này còn hoang vắng để tìm chốn định cư.

Hình ảnh chiếc áo bà bà, chiếc khăn rằn cùng nụ cười cô gái miền Tây đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh...

tgcc

Trải bao bước đường lưu lạc, tới thời ông sơ, vẫn là một tá điền nghèo ở đất Cần Giuộc xưa. Nhờ chăm chỉ thiệt thà mà ông lấy được bà sơ là con chủ nhưng không được xem trọng vì nữ sinh ngoại tộc. Gặp điều bẽ bàng cay đắng, đôi vợ chồng nghèo bất đắc chí, dắt theo con cái xuống ghe bầu nhắm hướng Nam mà đi.

Chấp nhận cuộc đời gian truân, biến động, cũng như bao người cùng hoàn cảnh khác, ông sơ tôi tìm tới vùng đất rộng thưa người thêm giàu thổ sản, bắt đầu công cuộc khẩn hoang. Tía biểu, bởi xuất thân tay không mở đất, trải nhiều cơ cực nguy nan trên đường lưu xứ mà người miền Tây quê tôi thừa hưởng cái chất bản lĩnh, tính ngang tàng: thích nghi nhanh, giỏi xoay sở ứng biến trước điều kiện khắc nghiệt và dễ chấp nhận cái mới. Đó là những người mà “ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.

2. Kể như tía tôi, hồi đó chèo tam bản thăm chị ruột lấy chồng về xứ Ngã Năm, gặp má tôi hai mắt đỏ hoe ngồi giặt áo trên cầu ván nơi bến sông, tò mò không biết là tại vì đâu mà chợt thấy lòng thương người ta đứt ruột. Chỉ vậy đó mà cậy người đem trầu cau đến mối mai. Từ một khoảnh khắc mà quyến luyến không thôi, tưởng chỉ lé mé dè đâu thương “trời gầm” để rồi trọn đời thủy chung, gắn bó.

Còn như má tôi, chỉ vì thấy “người ta” đã chèo xa mút chỉ mà còn ngoái đầu nhìn lại mãi mà sau này khi được bà mai đánh tiếng đã nhận lời đính ước trăm năm. Quanh năm xó bếp cầu ao, chưa từng lui tới xứ người, nhưng chỉ vì thương người mà chấp nhận theo về chốn ruộng cạn đồng sâu, đường sá trắc trở. Dù đời buồn tủi đắng cay, khổ sầu cơ cực vẫn bền dạ; một lòng cùng nhau bầu bạn đến giờ cháu nội cháu ngoại đề huề.

Ngộ thiệt, ở xứ này người ta dễ thương nhau. Là thương chứ không phải yêu. Mà chữ tình đã sâu, chữ nghĩa lại càng thêm nặng. Vì thương mà cảm thông những bất đồng, khác biệt. Vì thương mà chấp nhận san sẻ mọi nhọc nhằn vất vả, bỏ qua những hằn học hay cơn nóng nảy nhất thời.

3. Có lần, một người bạn miền xa đến quê tôi chơi, thấy ngày nào cũng được khoản đãi vịt gà; đi dọc thôn ấp đều được xóm giềng nở nụ cười thay cho lời chào thì thấy vô cùng dễ chịu và ấm áp. Có gì lạ đâu, đất này chẳng có gì nhiều ngoài lúa gạo và tôm cá; má tôi biểu, miếng ăn hổng tới đâu, nên khách đến chơi đều được tiếp đãi rộng rãi, thân tình. Rồi thì, bởi sâu xa đều là những phận người vì hoàn cảnh phải lìa bỏ gốc gác thuở xưa kia, nên người xứ này gặp nhau dễ có cảm tình, dễ kết thân, dễ trở thành thân sơ bè bạn.

Niềm thỏa thích tắm sông hiện trên nụ cười em bé miền Tây

tgcc

Dù là thôn quê, người ta vẫn tụ tập đông đúc. Sống quây quần để dễ bề tương trợ, tối lửa tắt đèn có nhau. Tiền tài vật chất có khi chẳng có ý nghĩa bằng tình cảm xóm giềng có qua có lại.

Sống giữa vườn xanh, gió lành, nước mát, tính người xứ này cũng tự nhiên mà dễ chịu, vô tư. Nên gặp nhau, tiếng cười đi trước, ai cũng như ai, để lạ xa mấy cũng xích gần lại. Nụ cười gần như là đặc sản của người châu thổ sông Cửu Long: không chỉ là cầu nối giữa con người với nhau mà còn là nguồn năng lượng sống giúp người miền Tây dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn lạc quan để có sức mà vực được nghèo.

4. Ở xóm quê tôi, hiếm khi nào thấy người ta để bụng thù vặt nhau lâu. Như đợt có một ông chú kỳ cục vụ nào cũng rất hay xuống giống muộn để không phải mất công máy công dầu tháo nước ruộng. Cả xóm cùng canh tác chuộng làm đồng loạt để tránh sâu bệnh và chia sẻ thiệt hại nên rất lấy làm khó chịu nhưng cô lập lại chẳng đành. Có lần ông chú vì thu hoạch muộn nên không còn ghe nào vào cân, cả xóm giận lắm, nhưng rồi bụng bảo dạ, thôi, mỗi người một tắc ráng chở giúp ra chợ mà bán cho nhà máy xay xát.

Còn như Sóc Trăng tôi, có ba tộc anh em vẫn hòa ái cùng chung sống. Có lần má nói, tính ra người đất này bao dung giống hệt như tô bún nước lèo. Đó là vì trong đó có con mắm bò hóc của người Khmer, hòa vào sự đặc sắc thơm ngon là miếng thịt quay của người Hoa, còn nào là rau muống, bắp chuối, giá, hẹ, rau thơm là tinh thần phóng khoáng đa dạng của người Kinh đất Việt.

...bởi luôn biết giữ gìn nên tình người châu thổ cứ mênh mông, hoài vậy

tgcc

5. Ẩm thực phong phú nhưng người xứ tôi ăn mặc có khi xuề xòa, luộm thuộm. Như tía tôi, mỗi lần đi đám tiệc trong xóm, ông luôn trung thành với đôi dép tổ ong và có khi xỏ đại cái áo cũ trong tầm mắt mình. Ai chê ăn mặc lôi thôi là tía biểu: miễn là có tiền trong bao thơ.

Chỉ lúc đốt nhang bàn thờ là ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm. Bàn thờ dù có đơn sơ nhưng là vùng tâm linh quan trọng nhất. Cũng như lúc ông bà còn sống người xứ tôi luôn hết lòng thờ mẹ kính cha.

Như cái chuyện hồi đó nhà nghèo, bà nội thèm trầu mà trong nhà chỉ còn mỗi năm trăm. Tía không nề hà, đi bộ hàng chục cây số để chỉ mua ba lá trầu về cho nội ăn đỡ. Còn như bữa nào nhà kho cá dầm mẻ lấy nước chấm năn bộp, tía lấy thêm một cái chén bới cơm gác đũa mời ông ngoại về ăn vì đó là món ngày xưa ông ngoại rất ưa. Vừa ăn vừa rót rượu xây chừng, tía mời: “Dô tía”!

Hay như má tôi, tết năm nào trước lúc rước ông bà cũng tìm mua cho được ít trầu cau vôi thuốc. Bày biện cho đẹp má đặt lên bàn thờ vì ngày xưa bà nội ghiền trầu. Mặc cho một đời làm dâu bà nội má chưa ngày nào được yên vui, nhưng tại người xứ này tánh kỳ, hiếm khi để bụng. Cả đời không muốn hơn thua, chỉ mong hòa giải vì sợ mất cái tình.

Mà bởi luôn biết giữ gìn nên tình người châu thổ cứ mênh mông, hoài vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.