Tình người trong trại giam: ‘Cây kéo vàng’ truyền nghề trong tù

01/09/2016 07:00 GMT+7

Dịp Quốc khánh 2.9 hằng năm cũng là thời điểm nhà nước đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn cho những người từng có quá khứ lỗi lầm, mong muốn làm lại cuộc đời.

 PV Thanh Niên đã tới một số trại giam để ghi lại những câu chuyện tình người cảm động nơi đây...
Trong hơn 8.000 phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức (Z30D, tỉnh Bình Thuận) có một người được mệnh danh là “cây kéo vàng”. Đó là Châu Văn Dũng (41 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), còn gọi là Dũng Hàn Châu - một cái tên đình đám trong giới tạo mẫu tóc ở TP.HCM từ những năm 2000 khi thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với vai trò là giám khảo các cuộc thi về tạo mẫu tóc.
Dũng sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em mà có đến 6 người làm nghề tóc, trong đó có 3 người có tiệm làm tóc tại Úc. Năm 2000, Dũng mở tiệm cắt tóc nam ở P.8, Q.11, TP.HCM. Đến năm 2005, tiệm có doanh thu cao nên Dũng đầu tư thêm một tiệm nữa ở đường 3 Tháng 2 (P.12, Q.11) mang tên Dũng Hàn Châu. Giải thích ý nghĩa của cái tên này, Dũng nói: “Châu Dũng là tên mình, còn “Hàn” có ý nghĩa như muốn hàn gắn, kết nối các anh em có sự đam mê với nghề cầm kéo để cùng nhau phát triển”.
Tiệm của Dũng khách đa số là người nổi tiếng, đại gia... Không ít lần Dũng đi nước bạn như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) để học thêm kinh nghiệm của các chuyên gia nổi tiếng về nghề. Sự mới mẻ này khiến lượng khách của “Dũng Hàn Châu” ngày một đông hơn. Dũng tiếp tục mở thêm một tiệm cắt tóc lớn ở Q.Tân Phú.
Bước sa chân
Quay mặt nhìn xa xăm qua cửa sổ tiệm tóc trong trại giam, mắt đượm buồn, Dũng kể tiếp: Năm 2006, Dũng tham gia cuộc thi tạo mẫu tóc "Đẹp lên cùng cẩm nang mua sắm" và được giải nhất. Sau cuộc thi này, rất nhiều người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu đến tìm Dũng để được tạo mẫu tóc. Sự nghiệp của Dũng ngày càng phát triển, mỗi năm các tiệm tóc mang lại lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng. Nhiều năm gắn bó với nghề, dày dạn kinh nghiệm nên Dũng bắt đầu tuyển nhiều học trò để truyền nghề. Không ít học viên khi ra đời trở thành những cái tên “hot” trong giới này, có tiệm lớn tại TP.HCM hay các tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, sự nghiệp đang trên đà phát triển thì năm 2006, Dũng bất ngờ quyết định đóng cửa tiệm tóc để sang Úc, với dự định sẽ mở tiệm làm cùng các anh trai của mình, đồng thời được đoàn tụ với vợ nơi xứ người. Để được qua Úc, Dũng phải đóng 32.000 USD, nhưng sau đó mới biết mình bị lừa cùng hàng trăm người khác và không ai lấy lại được số tiền bỏ ra. Quá chán nản, hụt hẫng, Dũng bắt đầu ăn chơi sa đọa, chơi ma túy đá trong các quán bar, vũ trường. “Chơi ma túy đá một thời gian, tôi bắt đầu mua nhiều ma túy đá bán lại cho bạn bè, đồng nghiệp của mình. Mỗi ngày tôi chơi ma túy hết gần 2 triệu đồng. Cuối năm 2008, tôi phải giao các tiệm lại cho anh chị em trong nhà quản lý, vì từ ngày chơi ma túy đá đầu óc tôi mụ mị, khách đến tiệm dần thưa thớt”, Dũng tâm sự.
Ngày 22.1.2010, công an ập vào tiệm của Dũng tại Q.11, bắt quả tang trong tiệm có 140 gr ma túy đá. Sau đó, Dũng bị TAND TP.HCM tuyên án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Truyền nghề trong trại giam
Tưởng chừng mất cả tuổi trẻ, tương lai của mình khi vào trại giam thụ án, ngờ đâu ánh sáng được mở ra khi các cán bộ trại giam biết Dũng có kinh nghiệm về làm tóc nên cho vào làm chung trong tiệm cắt tóc nhỏ với một phạm nhân khác. Nhờ tay nghề cao, Dũng đã thuyết phục được giám thị cho mở tiệm cắt tóc lớn để cắt tóc, gội đầu nam nữ phục vụ cho cán bộ, nhân viên của trại giam và truyền nghề cho những người muốn học.
Dũng tâm sự: “Ngày nghe quyết định này quả là sung sướng rơi nước mắt, nhiều đêm không ngủ được. Trong này tôi mới nghiền ngẫm được quá khứ khi sa vào cái thứ gây nghiện chết người mà không để ý tới gia đình, vào đây mới thấy tất cả đều quý giá, đáng trân trọng. Thời gian bị công an bắt, vợ ở Úc thông báo ly hôn khiến tôi đau đớn, tưởng không vực dậy nổi”.
Sáu năm qua, Dũng đã truyền nghề cho hàng chục phạm nhân nữ. Tâm, người phụ việc của Dũng trong tiệm hớt tóc, kể được Dũng dạy tận tình cho cách làm tóc, cắt tóc, cạo mặt... Chỉ vài tháng, tay nghề của Tâm lên cao, được cán bộ trong trại giam tấm tắc khen. Chỉ còn vài ngày nữa Tâm trở về với gia đình, và “ra trại em vẫn theo nghề làm tóc, có điều kiện sẽ mở tiệm nhỏ ở quê”.
Hiện Dũng còn làm thầy của 2 phạm nhân nữ khác cũng đam mê nghề này. “Có lẽ một khi cái nghề ăn sâu vào máu thì dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể cháy hết mình với nó. Không những có thể được thực hiện niềm đam mê hằng ngày trong trại giam mà còn được truyền lửa cho những người ấp ủ nghề này mà chưa có cơ hội học hỏi, thực hiện”, Dũng nói.
Một buổi chiều tháng 8.2016, chúng tôi đến tiệm cắt tóc do trại giam xây dựng và thiết kế tại phân trại 3, dành riêng cho Dũng để cắt tóc, gội đầu cho cán bộ, nhân viên trại giam. Căn phòng rộng rãi, thoáng mát với diện tích khoảng 30 m2 đầy đủ đồ nghề để gội đầu, cắt, uốn, nhuộm tóc... Những dụng cụ này đều do gia đình Dũng đưa đến nhằm tiết kiệm chi phí. “Tôi rất trông chờ ngày được ra tù. Tôi sẽ mở một tiệm tóc tại TP.HCM để thực hiện đam mê của mình”, Dũng rạng rỡ nói về tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.