“Anh nhớ không? Đã 29 năm em sống với anh. Chưa bao giờ vợ chồng xa nhau 3 ngày mà bây giờ xa nhau tới 8 năm. Lúc bị tạm giam, ngày nào em cũng khóc vì không biết đời mình sẽ đi về đâu…”. Đó là nội dung bức thư mà phạm nhân Phạm Thị Kim Dung (49 tuổi, Q.12, TP.HCM) đang thụ án ở Trại giam Thủ Đức (Z30D, Bình Thuận) viết cho chồng.
Ân hận muộn màng của người vợ
Năm 2013, công an bắt quả tang mẹ con bà Dung tàng trữ ma túy trái phép để bán lại cho các con nghiện tại Q.12. Bà Dung lãnh án phạt tù 8 năm còn con trai 10 năm. Hiện hai mẹ con bị giam ở hai phân trại tại Z30D. Những năm tháng trong trại giam, gia đình là điểm tựa tinh thần để bà chống chọi với thời gian. Những lá thư gửi về cho chồng con luôn trĩu nặng cảm xúc tội lỗi của một người vợ, người mẹ: “Em rất ân hận vì những sự việc đã xảy ra chỉ vì mình không suy nghĩ sâu xa và vô tình khiến con làm điều sai trái. Giờ đây em đã phải trả một cái giá quá đắt. Em cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án và mau được về với gia đình mình”.
Từ ngày vợ và con bị bắt, hằng tháng chồng bà Dung đều lên thăm cho dù bà bị giam ở trại Bố Lá hay Z30D. Bà Dung tự hào về người chồng: “Giờ chồng tôi vừa là ba, vừa là mẹ, thay tôi quán xuyến mọi việc. Dựng vợ gả chồng cho con một tay anh ấy lo. Ngày con gái Minh Châu lấy chồng, tôi khóc suốt đêm. Nghĩ đến cảnh ngày vui của con mà không có mẹ, tôi ân hận vô cùng”.
Mới đây nhờ cải tạo tốt, bà Dung được giảm 10 tháng tù. Trong mơ ước ngày đoàn tụ, bà Dung vẫn nghĩ về tình cảm tràn đầy của vợ chồng, nghĩ về đứa con út khăng khăng đợi mẹ về mới chịu lấy vợ. Trong bức thư gửi chồng, bà Dung hứa sẽ tiếp tục cải tạo thật tốt để sớm có cơ hội đoàn tụ với gia đình, để bù đắp những đổ vỡ do chính mình gây ra.
Bức thư có cái kết đẹp
Khác với bức thư của bà Dung gửi cho chồng, bức thư của phạm nhân Trần Chinh đang thụ án ở Trại Z30D lại xin lỗi chị Mỹ - vợ của nạn nhân - trong vụ giết người mà Chinh gây ra. Năm 1996, Chinh mới 21 tuổi, đã gây ra một án mạng nghiêm trọng ở đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1 (TP.HCM). Sau khi xích mích, lại bị tấn công trước, trong cơn hoảng loạn, Chinh phản xạ và đã dùng dao đâm chết người đàn ông đang ghì chặt mình từ phía sau. Người đó chính là chồng của chị Mỹ.
Chinh kể: Sau khi gây án anh bỏ trốn xuống miền Tây, lang thang rồi phụ việc trên các ghe hàng lênh đênh trên sông nước. Ở TP.HCM, gia đình Chinh đã bồi thường thiệt hại, lo lắng ma chay chu toàn cho người xấu số. Chị Mỹ cũng làm đơn bãi nại. Sau đó, Chinh về nhà ở TP.HCM sinh sống, đi học lái tàu rồi lấy vợ, sinh con. Đến năm 2010, tức là sau 14 năm kể từ ngày gây ra án mạng, Chinh bị bắt giữ. Tòa xử Chinh 20 năm tù.
Chinh cho biết cuối năm 2013, Trại Z30D phát động phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề “Thư gửi lời xin lỗi”. Người đầu tiên mà anh Chinh nghĩ phải gửi thư chính là chị Mỹ. Bức thư Chinh viết có đoạn: “Tính đến hôm nay cũng đã 17 năm trôi qua rồi phải không chị, nhưng nỗi day dứt cứ ám ảnh mãi trong tôi. Chị ơi, 17 năm trước tôi là một thằng thanh niên mới lớn rất háo thắng. Tôi vẫn ước nếu như ngày đó anh ấy đừng đánh tôi và khi đó tôi bình tĩnh hơn thì không xảy ra sự việc đau lòng như vậy phải không chị? Thời gian sau tôi rất khủng hoảng tinh thần, bạn bè xa lánh, gia đình bỏ mặc không biết đi đâu về đâu. Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến cái chết để đền tội với chồng chị và gia đình. Nhưng tôi không đủ can đảm làm điều đó. Lúc ấy tôi mới hiểu rằng sự sống quan trọng vậy mà tại sao mình lại cướp đi sự sống của người khác... Cuối thư, tôi không biết nói gì hơn là gửi lời xin lỗi đến chị và các cháu, cũng như linh hồn anh ở chín suối. Tôi cầu chúc cho chị và các cháu cùng gia đình mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống”.
Anh Chinh kể bức thư khá dài được anh viết trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, khi viết xong do không có địa chỉ gia đình nạn nhân nên anh không gửi. Nhưng khi gửi lên trại, các cán bộ ở Z30D đã tìm địa chỉ của chị Mỹ để gửi bức thư đi. Thật bất ngờ, 6-7 tháng kể từ khi bức thư được gửi đi, một buổi sáng có một người phụ nữ bất ngờ tới gặp. “Người phụ nữ đó là chị Mỹ. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ chị sẽ lên đây, nói chuyện rồi tha thứ cho mình”, anh Chinh nói.
Nói lời xin lỗi, lòng sẽ nhẹ nhàng hơn
Phong trào “Thư gửi lời xin lỗi” được Tổng cục 8 phát động vào năm 2013. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều vì có người nói có những việc đau lòng không nên nhắc lại. Do đó, khi mới phát động chỉ có một số trại giam làm thử, trong đó có Trại Z30D. Lần phát động đầu tiên chỉ có 1/4 phạm nhân tham gia nhưng càng về sau số lượng phạm nhân tham gia chiếm hơn 90%.
Phần lớn số thư viết ra được gửi cho người thân, gia đình, bạn bè. Số thư gửi cho phía bị hại không nhiều. Thư được chọn lọc từ các phân trại, gửi lên ban quản lý trại, sau đó gửi cho các địa chỉ mà phạm nhân yêu cầu. Hiện Trại Z30D tiếp tục phát động phạm nhân viết thư. Việc nói ra được lời xin lỗi giúp cho phạm nhân thanh thản, nhẹ nhàng hơn, từ đó cải tạo tốt hơn.
|
Bình luận (0)