Luôn trong tâm thế sẵn sàng
Bác sĩ (BS) Đinh Hữu Đại (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cùng đoàn cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh đang ở tâm dịch Bắc Giang tham gia công tác chống dịch Covid-19.
Ngày nào cũng vậy, 7 giờ sáng, đoàn công tác lên đường đến những nhà máy, khu dân cư để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. BS Đại phụ trách nhóm gồm 20 người lấy mẫu truy vết ngay ở những điểm nóng như: xã Vân Trung, thị trấn Nếnh, các khu cách ly tập trung của H.Việt Yên.
“Chúng tôi đã có kinh nghiệm chống dịch ở Quảng Ninh, luôn sẵn sàng tình nguyện đến tâm dịch Bắc Giang trong tâm thế rất thoải mái, mong được góp sức, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”, BS Đại nói.
Chiều 14.5, BS Đại nhận lệnh đi Bắc Giang chiều 14.5 và ngay sáng ngày hôm sau phải lên đường. Khi đó, vợ vẫn đi làm, con đi học nên mọi hành lý, tư trang anh đều tự chuẩn bị. Vợ BS Đại cùng công tác trong ngành y nên rất hiểu, ủng hộ quyết định đến tâm dịch của chồng.
|
Sữa TH tiếp sức y bác sĩ tâm dịch Bắc GiangTại Bắc Giang, Tập đoàn TH, thông qua Công đoàn Bộ Y tế đã tặng hơn 26.000 ly sữa tươi sạch động viên tiếp sức lực lượng y bác sĩ đang ngày đêm làm việc trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh phức tạp, góp phần bổ dung dưỡng chất, tăng sức đề kháng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đến nay, TH trao tặng gần 3 triệu ly sữa và nhiều vật tư y tế, trị giá hơn 30 tỉ đồng, chung tay cùng cả nước chiến thắng đại dịch.
|
BS Đại cho biết, thời tiết Bắc Giang những ngày qua nắng nóng gay gắt là thách thức, trở ngại lớn nhất. Nhưng các y bác sĩ đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất, mong sớm chặn được dịch Covid-19 lây lan. “Nắng nóng nhưng anh em vẫn làm việc thông trưa, có những ngày ăn cơm trưa lúc 3 giờ chiều, còn bữa tối thường là 9 - 10 giờ đêm, cá biệt có hôm ăn tối lúc 12 giờ đêm”, BS Đại kể.
BS Đại kể, nắng nóng hầm hập, mặc quần áo bảo hộ, mồ hôi ướt như tắm. Khi làm việc phải đeo găng tay, mồ hôi không có chỗ thoát đọng lại. Cuối ngày tháo găng tay, bàn tay ai cũng nhăn nheo vì tay ngấm mồ hôi trong nhiều giờ. Công việc vất vả nhưng niềm vui giản dị cuối ngày của mọi người là gọi điện thoại cho người thân trong gia đình. Những câu chuyện giữa 2 đầu điện thoại ấy là động lực để mọi người quyết tâm làm việc, bởi ai cũng mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để trở về với người thân, bên gia đình.
|
|
Cảm thấy may mắn khi còn sức khỏe để làm việc
Tình nguyện đến tâm dịch Bắc Giang, chị Dương Thị Thanh Tuyền, Điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) coi đây là niềm tự hào và cũng là trải nghiệm chưa từng có.
Cảm giác đầu tiên trong ngày đặt chân vào tâm dịch Bắc Giang, chị Tuyền xót xa khi thấy nhiều cụ già, em nhỏ bé xíu phải rời nhà đi cách ly và cũng cảm thấy may mắn khi mình vẫn còn sức khỏe để làm việc.
Chị Tuyền có con trai 10 tuổi. Trước khi đến Bắc Giang, chị Tuyền gửi con về bà ngoại để yên tâm chống dịch Covid-19. Công việc ban ngày vất vả nhưng đêm đến, nỗi nhớ con lại ùa về. Những lúc rảnh tay, việc đầu tiên chị nhớ đến là gọi về cho con ở nhà. “Cuộc gọi nào cũng thế, con chỉ lặp đi lặp lại 2 câu hỏi: Bao giờ mẹ về? Mẹ bảo đi 14 ngày sao mà lâu thế. Mình nghe lần nào cũng phải lảng tránh đi, giấu nước mắt vì chưa bao giờ xa con lâu đến thế”, chị Tuyền nói.
Thời tiết nắng nóng phải mặc quần áo bảo hộ dày cộp để làm việc là thử thách khắc nghiệt với chị em phụ nữ. Người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi. Có hôm làm việc liên tục cả ngày, mệt lả và gần như bị say nắng. Nhưng nghĩ đến người nhiều người dân đang phải ly tán, cách ly vì dịch Covid-19, chị Tuyền vẫn quyết tâm bám trụ làm việc.
“Chúng tôi vào tâm dịch nhưng vẫn có đồng nghiệp ở nhà thường xuyên gọi điện động viên, niềm vui khiến mệt mỏi dường như tán biến. Đi chống dịch thế này cũng giúp tôi tích luỹ được kinh nghiệm để nếu chẳng may chỗ mình có dịch Covid-19 thì cũng giúp được quê hương”, chị Tuyền chia sẻ.
|
Bình luận (0)