Mỗi ngày đi làm là một ngày vui
Trần Tiến Đạt (19 tuổi) và Nguyễn Thụy Thảo Ngân (20 tuổi) cùng là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, tham gia công tác chống Covid-19 tại TP.HCM từ tháng 7 đến nay. Cả hai nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng và khu cách ly F0 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Với chàng trai 19 tuổi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui. “Công việc thuận lợi khi người dân đều hợp tác để chúng tôi lấy mẫu, song cũng có chút khó khăn. Chẳng hạn như khi lấy cho mấy bé nhỏ, bé không chịu, sau vài lần lấy thì giờ tôi cũng đã có bí kíp riêng. Hay khi lấy mẫu những người bị viêm mũi, dị ứng, viêm xoang…, tôi phải cẩn thận hơn rất nhiều so với người bình thường", Tiến Đạt nói. Nhìn thấy nét mặt lo lắng của người dân khi chờ kết quả, Đạt cầu nguyện trong lòng, mong tất cả đều bình an.
|
“Tôi nhớ như in khi lấy mẫu cho một cậu bé vì mẹ nghi ngờ dương tính. Bé khóc, mẹ bé khóc rồi tôi cũng khóc theo. Có lần tôi lấy mẫu cho 2 bé sinh đôi mới 4 tháng tuổi, mẹ đã đi cách ly. Bà ngoại chăm 2 bé. Nhìn cảnh đó mà nước mắt tôi cứ chực rơi, dặn lòng kiềm chế để làm nhiệm vụ. Kết quả 2 bé âm tính, cả nhóm hôm đó mừng, thở phào nhẹ nhõm”, Tiến Đạt kể lại.
Với Thảo Ngân, thời gian làm việc tại TP.HCM, cô dường như trải qua tất cả cung bậc cảm xúc, buồn có, vui có, hạnh phúc có và cả mệt mỏi. Công việc bắt đầu từ sáng, kéo dài đến tận khuya.
Thảo Ngân tâm sự: “Lần đầu đến TP.Thủ Đức để đến nhà F0 để lấy mẫu, do không biết đường, chúng tôi chạy xe lạc đến cao tốc rồi vòng lại. Cũng có lần, tôi lấy mẫu cho một số người dân hơi khó tính và nhận những câu nói hơi khó nghe. Dù có chút chạnh lòng, nhưng chúng tôi vẫn mỉm cười và cố gắng hơn nữa”.
|
Những bỡ ngỡ của lần đầu của Đạt và Ngân đến giờ đã đỡ đi nhiều. Khác biệt về giọng nói, đồ ăn hay thời tiết giờ cũng đã quen. Hai sinh viên trường y còn nhận được nhiều tình cảm từ người dân.
“Mới vào tuần đầu, tôi không nghe được họ nói gì hết, nhiều từ nghe được, nhiều từ không. Nhưng giờ thì quen rồi. Người Sài Gòn dễ thương cực. Nhiều khi chúng tôi đi làm, mấy cô chú chặt dừa mang cho uống. Nhà hảo tâm thì tặng thức ăn như mì gói, cá hộp, sữa…”, Đạt háo hức nói.
|
Trải nghiệm với xe "mui trần"
Một trong những trải nghiệm thú vị của Đạt và Ngân là đi làm trên những chiếc xe bán tải mà các bạn gọi vui là xe "mui trần". Bình thường, thùng xe chỉ dùng để chở đồ đạc, hàng hóa nhưng nay được tận dụng chở người nhằm hạn chế lây lan.
Chia sẻ cảm xúc về trải nghiệm này, Đạt cười nói: “Ngồi trên xe, cảm giác đầu tiên là mát, cho dù mặc đồ bảo hộ. Nắng, mưa thì không thể tránh nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ”.
Ngày 5.9, Đạt và 18 đồng đội về khách sạn sau một ngày làm việc. Trên chiếc xe mui trần, 19 người dầm mưa trên suốt quãng đường gần 15 km. Đạt tranh thủ lưu lại khoảnh khắc ấy cả khi trời đổ mưa. Tận dụng túi nilon, áo khoác để che đầu, còn cả người Đạt ướt sũng. Ấy vậy mà các sinh viên khoa y thấy vui và thú vị. Trên đường đi qua nhiều chốt kiểm soát, những chàng trai, cô gái đôi mươi ướt lạnh vẫn vẫy tay chào lực lượng trực chốt.
|
“Những chuyến đi phượt ngắn bằng con xe mui trần khiến chúng tôi cảm thấy rất thú vị và háo hức. Dù nắng hay mưa, trên con xe "mui trần" vẫn không thiếu những tiếng cười và những câu nói đùa vui”, Thảo Ngân bộc bạch.
Chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm do dịch Covid-19, Đạt và Ngân không khỏi xót xa. Những món quà của nhà hảo tâm gửi tặng được các bạn gửi lại chủ khách sạn nhờ tặng lại cho những người khó khăn.
|
Bình luận (0)