Bà ngoại 80 tuổi gửi lời nhắn yêu thương cho cháu lớp 11 đi chống dịch Covid-19 ở TP.HCM

07/09/2021 13:02 GMT+7

Biết tin cháu trai đăng ký ở lại ‘nhà chung’ của các tình nguyện viên chống dịch Covid-19 tại TP.HCM , bà ngoại Khang đã gửi đồ ăn vặt, tiền kèm lời nhắn 'bà cho con 500, đói bụng thì ăn gì ăn, hết bà cho con nữa'.

Nguyễn An Khang (16 tuổi) là học sinh lớp 11B18, Trường THPT Trường Chinh (Q.12, TP.HCM). Dịch bệnh cộng thêm giai đoạn từ tháng 6 đang nghỉ hè nên Khang quyết định tham gia chống dịch Covid-19 ở TP.HCM dù bà ngoại phản đối.

Người mẹ thứ hai

An Khang bắt đầu công việc tình nguyện tại chốt kiểm soát Covid-19 của P.Thạnh Lộc (Q.12) từ ngày 6.6. Sau đó, Khang chuyển sang hỗ trợ công tác tiêm vắc xin và hiện tại, em là tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, mua thuốc cho bệnh nhân F0 tại P.Hiệp Thành (Q.12).
Ban đầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc (80 tuổi, bà ngoại) phản đối Khang tham gia tình nguyện vì em mới 16 tuổi, còn phải lo chuyện học hành. Khang thuyết phục và động viên bà yên tâm. Cuối cùng, em cũng có được cái gật đầu từ bà ngoại.
Tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp và công việc tình nguyện có nguy cơ nhiễm cao nên Khang quyết định không về nhà. Em đăng ký ở lại "nhà chung" cho tình nguyện viên, đội ngũ y bác sĩ từ ngày 24.8.

Với Khang (phía sau), bà ngoại như người mẹ thứ 2 luôn quan tâm, chỉ bảo em nên người

NVCC

“Tối hôm đó, bà biết tin em ở lại thì bà khóc và buồn rất nhiều. Bà sợ em xa nhà không ăn uống đầy đủ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bà gọi video nói trưa em qua nhà bà lấy vài bịch bánh ăn vặt. Vì em thích ăn vặt lắm nên trưa qua lấy. Bà kẹp 2 bức thư tay bao quanh tờ 500 ngàn để em không thấy. Vì bà biết nếu em thấy thì sẽ không nhận”, Khang chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên Khang nhận được thư tay do bà viết. Bức thư với nét chữ tuy không ngay hàng, thẳng lối, không chỉn chu nhưng chất chứa bao tình cảm, sự yêu thương từ người bà.
“Cháu Khang. Bà thương con, 5 - 6 tây con về nhà rồi lo học hết 12 rồi lấy bằng muốn đi đâu thì đi. Bà nhắc nhở con chỉ bấy nhiêu thôi, làm việc tốt đừng để ai mắng con. Bà cho con 500 đói bụng thì ăn gì ăn, hết bà cho con nữa. Chào con”, lời nhắn từ bà Cúc đến cháu trai.

Khang tham gia chống dịch vì không muốn lãng phí thời gian, sức trẻ

NVCC

Bà Cúc bảo: “Ở trong máy không có tên nó nên tôi lật đật viết mấy chữ để dặn nó chứ không kịp. Nó đi về cũng lật đật không dám vô, sợ lây cho bà. Tôi bỏ thư và tiền vào cái bao cùng 2 chai nước ngọt, không dám nói. Nhà có 3 đứa cháu trai mà Khang là ngoan nhất, sai đâu làm đó, nghe lời mẹ, học hành tốt. Cho nên thương nó nhiều lắm”.
Khang sống với mẹ và hai anh trai còn bà ngoại ở riêng. Với Khang, bà ngoại như người mẹ thứ hai. Từ nhỏ, bà đã dạy em viết chữ, tính toán trước khi vào lớp 1. “Khi nhận được bức thư này, em thấy mình được bà quan tâm lắm. Cảm giác như những người lính hồi xưa được người thân viết thư gửi ra nơi tiền tuyến”, Khang vui vẻ nói.

TP.HCM: 128.396 ca Covid-19 xuất viện, hơn 6,5 triệu người đã tiêm vắc xin

"Sợ mà dám làm là can đảm"

Khoảng thời gian tham gia chống dịch là khoảng thời gian giúp Khang trưởng thành. Khang tự lập hơn, từ những chuyện nhỏ nhặt như tự giặt quần áo, dậy sớm tập thể dục đến tối ngủ trên bàn học bằng gỗ, không êm ấm như ở nhà.
Cuộc sống tại "nhà chung" đã giúp Khang làm quen với môi trường tập thể. Em làm quen được nhiều bạn, anh chị có cùng lý tưởng. “Em cảm thấy mình thật may mắn sau khi chứng kiến tận mắt những hoàn cảnh khó khăn phải ăn mì 3 tuần liền, trẻ em thiếu sữa, người vô gia cư. Em phải làm điều gì đó để đóng góp cho xã hội. Được cống hiến tuổi trẻ tức là em đang sống có ý nghĩa”, Khang bộc bạch.

Điều Khang muốn làm nhất khi hết dịch là về thăm bà ngoại

NVCC

Ngoài mặt phản đối nhưng trong lòng, bà Cúc vẫn ủng hộ cháu trai. Một tuần đầu, Khang giấu bà công việc tình nguyện của mình, chỉ nói đi khiêng rau củ giúp các bếp ăn. “Tôi cản nó, nói con khoan đi đã. Nó dạ dạ rồi lừa tôi. Nhưng nghe tin nó đi, tôi cũng vui. Nó đi giúp dân, giúp đời thì vui chứ. Miễn tối gọi điện thấy cái mặt nó là mừng”, bà Cúc tâm sự.
Khang đang hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, phải tiếp xúc với người dân, có thể là bệnh nhân F0. “Liệu em có sợ không?”, tôi hỏi. Khang bình tĩnh đáp: “Nói đến Covid-19 thì em sợ thật nhưng em không lo lắng. Em tự tin kiến thức phòng dịch mà mình có. Sợ mà dám làm là can đảm”.
Nam sinh lớp 11 dừng công việc tình nguyện vào ngày 6.9 để quay lại việc học tập. Khang hi vọng câu chuyện của hai bà cháu sẽ mang lại niềm vui nhỏ trong mùa dịch này. Và điều chàng trai 16 tuổi muốn làm nhất khi hết dịch chính là về thăm bà ngoại của mình, được sà vào lòng bà mà lắng nghe những câu chuyện thời xưa ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.