Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thay đổi nhiều chính sách giáo dục chưa phù hợp thực tế

Phạm Anh
Phạm Anh
13/06/2024 18:38 GMT+7

Ngày 13.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác giáo dục, đào tạo và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

14.394 thí sinh sẵn sàng dự thi tốt nghiệp THPT

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Kỳ thi năm nay, tỉnh Quảng Ngãi có 14.394 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 13.104 thí sinh học lớp 12; thí sinh giáo dục thường xuyên là 1.290 em. Cả tỉnh bố trí 35 điểm thi, với 635 phòng thi (có 11 phòng thi ghép), 70 phòng thi dự phòng và 42 phòng chờ.

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thay đổi nhiều chính sách giáo dục chưa phù hợp thực tế- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đứng giữa, áo trắng) kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến phân công 2.195 cán bộ, giáo viên làm công tác thi, bố trí khoảng 175 cán bộ, chiến sĩ công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt kết quả tốt, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các chỉ đạo cho ngành và các đơn vị liên quan. Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Quảng Ngãi; Ban hành chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi...

Nhiều chính sách chưa phù hợp thực tế

Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 584 đơn vị, cơ sở giáo dục (đã có 420 trường đạt chuẩn quốc gia) với tổng số 284.252 học sinh, học viên và 18.101 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, sớm ban hành một số chính sách liên quan đến giáo dục địa phương hiện nay, được cho là chưa phù hợp thực tế. Theo đó, kiến nghị nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 5 tuổi theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ, hiện đang hưởng 160.000 đồng/tháng và 9 tháng/năm là rất thấp.

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thay đổi nhiều chính sách giáo dục chưa phù hợp thực tế- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo công tác thi tốt nghiệp THPT và công tác giáo dục của địa phương

PHẠM ANH

5 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc dạy tiếng Việt cho học sinh rất cần thiết và được triển khai ngay từ bậc học mầm non. Theo Điều 9 của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, chỉ có giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ mới được hưởng chế độ tăng cường tiếng Việt. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng điều này là bất cập và đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung cho giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số được hưởng chế độ tăng cường tiếng Việt.

Tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTCBGDĐT ngày 29.5.2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT quy định trong 3 năm, học sinh dân tộc nội trú chỉ được cấp 1 lần chăn, màn, chiếu. Tuy nhiên, quá trình sử dụng dễ bị hư hỏng nên các em khó sử dụng được trong 3 năm.

Tỉnh Quảng Ngãi còn cho rằng, với áo ấm và đồng phục, học sinh đang tuổi phát triển nên sau mỗi năm đều không thể sử dụng lại được; mức chi bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn được cấp 50.000 đồng/học sinh/năm còn thấp, ảnh hưởng đến việc mua sắm, sửa chữa trang thiết bị của các trường... Học bổng của học sinh được hưởng 80% mức lương cơ sở (thực hưởng 1.440.000 đồng/em) dẫn đến chất lượng bữa ăn các em chưa được đảm bảo vì vật giá leo thang…

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thay đổi nhiều chính sách giáo dục chưa phù hợp thực tế- Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Ngãi

PHẠM ANH

Ông Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, luật Giáo dục chỉ cho phép tuyển dụng giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Vì vậy, nhiều trường hợp ở Quảng Ngãi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sư phạm vẫn không đủ điều kiện tuyển dụng. Lý do này đã làm cho Quảng Ngãi một vài năm gần đây tuyển dụng giáo viên không đủ chỉ tiêu.

 Sớm có chiến lược mới trong phát triển giáo dục

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, khẳng định sẽ không để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan và xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm do chủ quan. "Không để bất kỳ sự gian lận nào trong thi cử. Thời gian diễn ra thi tốt nghiệp THPT phải cập nhật thông tin từng buổi thi", bà Vân nhấn mạnh.

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị thay đổi nhiều chính sách giáo dục chưa phù hợp thực tế- Ảnh 4.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, phát biểu tại cuộc họp với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

PHẠM ANH

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân cũng khẳng định tỉnh Quảng Ngãi luôn quan tâm hàng đầu về công tác giáo dục và đào tạo, "chưa bao giờ từ chối với giáo dục", nhất là với giáo dục ở miền núi. Đây cũng là cách đào tạo về mặt con người, góp phần phát triển KT-XH cho tỉnh Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tỉnh Quảng Ngãi đã vượt qua nhiều khó khăn để phát triển KT-XH, đầu tư cho giáo dục, quan tâm lớn đến thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024… Bộ trưởng cho rằng, giáo dục Quảng Ngãi có các chỉ số có xu hướng phát triển dần lên qua các năm, nâng cao được chất lượng đại trà và mũi nhọn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi một số vấn đề, trong đó sớm có chiến lược mới trong phát triển giáo dục phù hợp với sự phát triển KT-XH trên địa bàn, đảm bảo công bằng giáo dục trong xã hội; tiếp tục đổi mới giáo dục trên tinh thần Nghị quyết 29 đi vào chiều sâu. Tỉnh Quảng Ngãi cần đầu tư cơ sở vật cho mầm non; chú trọng đào tạo, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh đi vào các trường nghề...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.