'Tình sử Thăng Long': Vở kịch sử hoành tráng duy nhất trong mùa tết 2024

16/02/2024 11:00 GMT+7

Chuyện tình của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân đã được nói nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, và một lần nữa được nhắc đến trong vở kịch Tình sử Thăng Long do NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long chung tay sản xuất.

Tình sử Thăng Long (tác giả và đạo diễn: Hoàng Hải, cảm tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân của Lưu Quang Vũ) vừa diễn ra vào tối 15, 16.2 (mùng 6, mùng 7 tết) tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM. Đây là vở kịch sử duy nhất diễn tết, với sự hoành tráng đáng ghi nhận.

'Tình sử Thăng Long': Vở kịch sử hoành tráng duy nhất trong mùa tết 2024- Ảnh 1.

NSƯT Kim Tử Long (vai Nguyễn Huệ) và nghệ sĩ trẻ Hoàng Yến (công chúa Ngọc Hân) trong vở Tình sử Thăng Long

H.K

Tình sử Thăng Long thể hiện cuộc hôn nhân chính trị giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân trong bối cảnh rối ren của Bắc Hà khi Nguyễn Huệ kéo quân ra phò Lê diệt Trịnh.

Nguyễn Huệ vừa đối phó với quân của Chúa Trịnh xong đã phải xử lý quân của mình, lại vừa thu phục sĩ phu Bắc Hà, vừa chiêu mộ hiền tài ra giúp sức cho cục diện mới của đất nước, vừa đề phòng âm mưu hãm hại mình trong nội bộ quan quân còn lại của triều đình, kể cả âm mưu chia rẽ ông với Ngọc Hân. Thật sự là mớ bòng bong mà Nguyễn Huệ phải gỡ từng chút một, và cuộc hôn nhân chính trị của ông đã lọt vào bối cảnh rối ren đó với khúc dạo đầu căng thẳng. Đêm động phòng, hai vợ chồng đã tranh luận gay gắt về lý tưởng phò Lê diệt Trịnh, về vai trò của trí thức và quân sự, về sức mạnh vũ khí và văn hóa…

Công chúa Ngọc Hân cành vàng lá ngọc, ăn học cao, tri thức rộng, dù bị ép hôn nhưng không dễ gì khuất phục dễ dàng. Thế nhưng, dần dần nàng đã cảm phục Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải, rồi yêu ông bằng cả trái tim chân thành, và sát cánh bên ông phụ giúp an nguy đất nước. Ngọc Hân đúng như lòng kỳ vọng của Nguyễn Huệ, không chỉ là vợ, mà còn là bạn tri âm, là đồng chí trong cuộc chiến. Nàng âm thầm đứng phía sau, nhưng nàng kết nối được nhân tâm, kéo gần khoảng cách giữa Nguyễn Huệ và Bắc Hà để sau này Nguyễn Huệ lên ngôi Quang Trung hoàng đế danh chính ngôn thuận đánh quân Thanh trong sự tâm phục của toàn dân.

Với quá nhiều tình tiết, quá nhiều nhân vật, với khoảng 70 diễn viên, vở kịch đã dài 3 tiếng đồng hồ, nhưng cả khán phòng im phăng phắc dõi theo. Nếu nói đây là bài học lịch sử khá chỉn chu, thiết nghĩ, cũng không ngoa. Và nếu xem đây là tác phẩm sân khấu thì cũng đủ sức chinh phục khán giả, bởi có đủ hùng tráng lẫn tâm lý tinh tế, các nhân vật chính và phụ đem đến những sự kiện lớn lẫn tình tiết nhỏ thú vị, có cả ngọt ngào của tình yêu, chia ly, mất mát, khiến người xem xót xa.

'Tình sử Thăng Long': Vở kịch sử hoành tráng duy nhất trong mùa tết 2024- Ảnh 2.

Bình Tinh (nàng Mai), Hiếu Hiền (Vược)

H.K

Tài năng của Kim Tử Long (Nguyễn Huệ), Hồng Vân (Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân), Hoàng Yến (Ngọc Hân), Hoàng Sơn (Nguyễn Nhạc), Trinh Trinh (Bùi Thị Xuân), Bình Tinh (nàng Mai), Xuân Nghị (Nguyễn Hữu Chỉnh), cùng Minh Luân, Hiếu Hiền, Gia Bảo, Hiếu Nguyễn, Hoàng Khôi, Nguyên Khôi, Kha Uy… quả thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có lẽ do thời gian tập tuồng gấp rút cho kịp tết, cho nên các nghệ sĩ chưa thấm sâu nhân vật trong suất diễn đầu tiên, chắc chắn các suất sau sẽ tốt hơn bởi cái nền kịch bản đã vững rồi thì không mấy lo.

Thiết nghĩ, sau 2 đêm tại Nhà hát Bến Thành, "bà bầu" Hồng Vân có thể mang vở này về sân khấu Điện Biên Phủ của mình mà diễn lâu dài. Khán phòng vừa phải của nơi ấy sẽ khiến vở ấm áp hơn. Vở này bán vé cho học sinh, sinh viên và khán giả trẻ là vô cùng thiết thực, bởi đây là bài học lịch sử khá đầy đủ, giáo dục cho lớp trẻ một cách dễ dàng mà vẫn không thiếu tính giải trí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.