TNO

Tịnh tâm ở Hội An - Kỳ 1: Ngôi nhà không khóa cửa

20/06/2014 11:52 GMT+7

(iHay) Lòng người Hội An ấm áp, chân tình, dễ chịu như cái nắng trong buổi trưa tôi tới mảnh đất này.

(iHay) Tôi đến Hội An (Quảng Nam) vào một buổi trưa đầy nắng và gió. Vừa bước xuống taxi, gió lập tức giật bay chiếc mũ. Mỉm cười, tôi bung luôn mái tóc đã bao ngày bị buộc chặt trong cái nóng Sài Gòn. Gió lùa vào tóc, nắng chạm vào da, cảm giác thư thái cứ thế lan tỏa.

>> Khám phá Hội An theo... ngũ hành


Ảnh: Mèo Già

Tôi đã từng đến Hội An một lần, nhưng chỉ được ở vỏn vẹn 12 giờ đồng hồ. Trở lại lần này, tôi quyết định ở đây bốn ngày cho thỏa những gì còn nhớ, còn quên, còn chưa được toại nguyện.

Không đặt phòng khách sạn, tôi tìm đến ngôi nhà đã từng ở trong dịp tới Hội An lần trước. Ở Hội An, dịch vụ homestay (ở nhà dân) rất phát triển. Đi dọc những con đường trên khu phố cổ, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà treo biển "Homestay", cho thuê phòng ở riêng hoặc ở chung với giá rẻ hơn hẳn so với giá phòng khách sạch. Tuy nhiên, ngôi nhà tôi đến đặc biệt hơn. Chủ nhà không cho thuê phòng đại trà, bạn có thể hiểu nôm na là họ có sự "chọn lọc" khách cho thuê.


Ảnh: Mèo Già

Vì đã để mất số điện thoại của chủ nhà, nên tôi chỉ biết đi tìm theo vài đặc điểm nhớ mang máng: ngôi nhà màu trắng rất xinh trong một ngõ nhỏ, ngay gần sông Hoài, cạnh một dãy nhà ăn khá dài và bán rất khuya…

Sau một hồi thăm, cuối cùng tôi được một bà cụ lưng đã rất còng, làm nghề chèo thuyền chở khách trên sông Hoài dẫn đến chính xác ngôi nhà. Ấn tượng đầu tiên về sự nhiệt tình của người phố Hội! Cổng nhà không khóa. Cửa chính cũng không khóa. Nhà không có chuông. Tôi không nhớ tên chủ nhà nên chỉ biết gọi vu vơ bác ơi, cô ơi, chị ơi… mà không thấy ai trả lời.

 
Ảnh: Mèo Già

Thấy tôi ngồi vật vạ ở trước hiên, có vài người hàng xóm tới hỏi, rồi cho tôi số điện thoại của cả chủ nhà, cả con chủ nhà. Tôi hơi bất ngờ vì họ có quá tin vào một người lạ như tôi không? Có thể nhờ vẻ ngoài không thể làm chuyện ác của mình mà tôi gặp may. Đáng buồn, tôi gọi hoài cũng không ai bắt máy, đành chấp nhận ngồi đợi tiếp.

Hơn một giờ đồng hồ sau, chị chủ nhà mới phát hiện ra vị khách lạ. Chị hỏi tôi tìm ai? Tôi trình bày rất rõ ràng tôi đã từng thuê một phòng ở nhà chị, có lẽ người cho tôi thuê là em gái chị, nhưng giờ tôi không còn lưu số của chị ấy. Đợt này trở lại Hội An tôi muốn được tiếp tục thuê phòng vì nhà chị rất đẹp, lại rất gần khu phố cổ.

Khi chị nói nhà chị bây giờ không còn cho thuê nữa, không cần soi gương tôi cũng đoán được gương mặt thất vọng của mình thê thảm đến mức độ nào. Nhưng cũng may vì sự thê thảm đó mà chị thấy thương, và đồng ý cho tôi ở lại.

Chị nói tôi có thể ở phòng của em trai chị đang công tác ở Sài Gòn. Vì chị vừa sinh em bé nên không thể giúp tôi dọn phòng. Tôi có thể tự làm được. Vậy là chị chỉ cho tôi chỗ lấy ga, lấy chăn, lấy gối… Sắp xếp một loáng là tôi có một căn phòng tuyệt vời. Chắc chẳng có vị khách thuê phòng nào được tự nhiên như tôi.

Tôi thắc mắc với chị chủ nhà, tại sao nhà không khóa cửa? Chị nói ở Hội An yên tĩnh và an toàn. Có thể dựng xe ngay ngoài cổng mà không cần khóa. Nhà chị cũng thường xuyên để cửa mở đến khuya chờ ba mẹ chị đi làm về. Vì vậy, tôi có thể thoải mái đi chơi. 

Quả thực, từ khi bước vào cho tới khi chia tay ngôi nhà không khóa cửa này, tôi không còn cảm giác mình đang đi thuê phòng người lạ, mà giống như đang trở về nhà. Gần gũi, ấm áp vô vùng!


Ảnh: Mèo Già

Bốn ngày rong ruổi khắp Hội An đã bao lần tôi ngỡ ngàng, tôi băn khoăn tại sao người ta có thể tốt bụng với mình như thế? Đã bao lần tôi xúc động tới mức phải cố cười để kìm nén, để giấu đi sự thổn thức trong tim mình.

Tôi nhớ chị chèo thuyền chở tôi đi thăm rừng dừa bảy mẫu ở xã Cẩm Thanh (Hội An) cứ khăng khăng mời tôi về thăm nhà, ăn cùng gia đình chị một bữa cơm trưa. Vì thời gian di chuyển quá gấp nên tôi buộc lòng phải từ chối. Chị tiễn tôi - một vị khách vừa gặp vài giờ đồng hồ cả một đoạn đường dài, quyến luyến như chia tay một người thân.


Ảnh: Linh San

Tôi nhớ một chú chủ quán mì Quảng ngon nổi tiếng ở Hội An nhiệt tình tới mức từ chối phục vụ khách đến ăn để tập trung kể cho tôi nghe câu chuyện về mì Quảng, về cao lầu. Thậm chí, chú còn gọi nhân viên ra làm "phiên dịch" cho tôi bởi chú nói giọng Quảng Nam quá "đậm đặc" mà nhiều lúc tôi không thể hiểu chú nói gì. Khi tôi nói “cháu trả tiền, cháu còn trở lại Hội An, nếu chú không lấy tiền cháu sẽ không đến quán chú nữa”, chú cười hiền hậu như cách bố tôi vẫn mỉm cười với con gái.

Tôi nhớ một nghệ nhân hơn 80 tuổi ở làng gốm Thanh Hà sau khi dẫn tôi đi thăm lò gốm đã tặng cho tôi rất nhiều món đồ mà cụ tự tay làm. Tôi không biết phải mang những món quà này về Sài Gòn như thế nào, nhưng không biết phải từ chối như thế nào. Sau những lời chia sẻ chất chứa bao ưu tư của cụ về tương lai của lò gốm, tôi thật sự sợ cụ sẽ chạnh lòng nghĩ tôi không thiết tha với những món đồ mộc mạc, nên mới không nhận quà…


Ảnh: Linh San

Tôi sẽ không bao giờ quên một bác hướng dẫn viên được mệnh danh là “người thổi hồn cho Cù Lao Chàm”. Sau buổi gặp tình cờ vài phút ở chùa Hải Tạng trên Cù Lao Chàm, bác vội vã về nhà tìm những cuốn sách cổ về Hội An để tặng cho tôi. Trước giờ quay lại Đà Nẵng để bay về Sài Gòn, đọc tin nhắn bác gửi: “Con chỉ ở Hội An tối nay, bác dẫn con đi ăn món ngon, bác dẫn con qua quán cà phê Hội An bác hay ngồi…” mà mắt tôi nhòe nước. Tôi còn nhớ… Nhớ nhiều lắm…

Tôi đã từng đọc rất nhiều bài viết miêu tả người Hội An bằng những mỹ từ: hiền hòa, hiếu khách, chân chất, hồn hậu. Tôi nghĩ đó là những nét tính cách đáng quý mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S. Còn ở Hội An, nếu khác thì có chăng nó chỉ đậm nét hơn thôi. Lòng người Hội An ấm áp, chân tình, dễ chịu như cái nắng trong buổi trưa tôi tới mảnh đất này.

(còn tiếp)

Linh San

>> Trong veo 'hòn ngọc của Hội An
>> Ngon ấn tượng chả bắp Hội An
>> Hội An trong mắt lữ khách qua đường  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.