Loạt điều tra Đa cấp "giăng bẫy" sinh viên đăng trên Thanh Niên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều bạn đọc (BĐ), nhất là các BĐ trẻ. Theo bài báo, trong nhiều ngày có mặt tại hẻm 320 Trường Chinh, PV Thanh Niên ghi nhận mỗi ngày rất đông sinh viên (SV) được đón, dẫn vào chi nhánh Vinalink Group (số 320/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình) để phỏng vấn xin việc.
Trong vai SV đi xin việc làm, vừa đến đầu hẻm 320 Trường Chinh, PV chưa kịp nói gì thì chủ quán nước gần đó gọi lại nhắc nhở: "Con đi xin việc tại tòa nhà Vinalink Group đúng không? Ở đó hoạt động bán hàng đa cấp. Con về ngay đi con". Bà T. (nhân viên quán cà phê gần Vinalink Group) cũng cảnh báo bà thường xuyên chứng kiến cảnh người nhà nạn nhân tìm đến công ty đa cấp này đòi lại tiền nhưng bất thành. Theo bà, có trường hợp gia đình kéo đến rất đông, phản ứng dữ dội nhưng không ăn thua; còn có trường hợp cha mẹ già đến khóc lóc, van xin trả tiền lại nhưng cũng về tay không...
Ngay khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương có công văn yêu cầu Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam xác minh, báo cáo về cho cơ quan này. Ngày 9.5, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam có buổi làm việc với 3 SV tố cáo người tại chi nhánh Vinalink Group dẫn dắt họ đầu tư đa cấp cùng với sự tham gia đại diện Sở Công thương TP.HCM và Vinalink Group. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vinalink Group thừa nhận do thiếu giám sát để nhà phân phối tại chi nhánh Vinalink Group ở Q.Tân Bình thực hiện không đúng theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đề nghị Vinalink Group chấm dứt, chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp lộn xộn xảy ra tại đây. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng yêu cầu Vinalink Group ngưng ngay tình trạng mà Báo Thanh Niên phản ánh và xử lý các nhân viên liên quan, đồng thời báo cáo cho Sở Công thương...
Nhiều nạn nhân lên tiếng
Không ít BĐ tự giới thiệu là SV, cũng từng là nạn nhân của chi nhánh Vinalink Group, đã kể lại sự thật. BĐ Băng Băng bức xúc cho biết: "Do mình tin tưởng bạn cùng lớp và nhát quá nên bị thao túng tâm lý luôn. Để khiến mình có niềm tin, họ đưa ra rất nhiều bằng chứng: nào là Vinalink đã được cấp phép, còn giảng giải luật cho mình nghe… Lúc mình xin rút họ cứ liên tục hối thúc mình nhanh chóng nhận hàng, liên tục lấy gia đình mình ra để "công kích" cảm xúc và dùng nhiều lời lẽ để hạ nhục mình. Mong là qua câu chuyện được Báo Thanh Niên đưa lên, sẽ hạn chế nhiều bạn mắc bẫy và mang nợ như mình".
Sao lại nỡ đi lừa các SV tuổi bằng con cháu của mình vì các em đang cần tiền để trang trải học phí và cuộc sống?
Tiên
Tôi đã từng nghe có SV phải bỏ học vì bế tắc khi lỡ vướng vào bẫy đa cấp. Pháp luật cần bổ sung tội danh "hủy hoại tương lai người khác".
congtyquoccxxxx@gmail.com
Cơ quan chức năng nên vào cuộc nhanh chóng. Tránh để nhiều bạn trẻ trở thành nạn nhân. Hoan hô Báo Thanh Niên đã có loạt bài rất hay này.
hoangtiendung020976
BĐ Nguyễn Hồng Sơn kể: "Tầm này năm ngoái em cũng có đến đây xin việc nhưng vừa vào thì thấy nghi nghi là đa cấp rồi. Tiếp đó có 1 người của họ ra hướng dẫn, rồi dắt đi hết bàn này đến bàn khác chào các "sếp", chào hỏi xong thì giới thiệu công việc nào là lương cao, nào là thăng tiến các kiểu, cuối cùng rồi bắt em đóng tiền mua hàng mà lúc đó em cũng không mang theo nhiều tiền… May mà em cũng tỉnh, xong em xin chiều có việc muốn về sớm và em vọt về lẹ. Sợ thật sự". Còn BĐ Khánh Nguyễn Vân viết: "Mình được trải nghiệm 2 ngày "training" ở đây. Hên là kịp nhận ra và né sớm".
Để không sa bẫy đa cấp biến tướng
Làm gì để không sập bẫy đa cấp biến tướng? Nhiều BĐ đã lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở nhau… BĐ Huỳnh Văn chia sẻ: "Đa phần các đối tượng này đều đánh vào tâm lý lòng tham và mong muốn kiếm được nhiều tiền nhưng không muốn bỏ quá nhiều tâm sức... Muốn kiếm được nhiều tiền, muốn có ăn mà không muốn học, không muốn nai lưng ra đi làm, cày cuốc thì chỉ có ăn quả lừa thôi". BĐ Văn Tâm Trần nhắc nhở: "SV ngày nay có một số em muốn việc nhẹ lương cao nên rất dễ mắc bẫy. Phải tỉnh táo, đừng dễ tin những lời dụ dỗ".
Nhiều BĐ cũng cho rằng các SV phải biết tự bảo vệ mình bằng cách trang bị những kỹ năng sống, biết học hỏi ở thầy cô, bạn bè, qua sách báo, ngoài xã hội… BĐ Andy Quách lưu ý: "Báo chí đăng rất nhiều về chuyện này, chịu khó đọc báo thì biết liền. Mấy chiêu này cũ mèm mà vẫn còn dính bẫy".
Trong khi đó, BĐ Hiền Hà bày tỏ mong muốn: "Muốn ngăn chặn tình trạng này không khó. Các trường đại học nên tổ chức nhiều buổi giới thiệu việc làm, cảnh báo cho SV về các hình thức lừa đảo, các biến tướng của đa cấp…". Còn BĐ Tiến thì mách nước: "Trường nào cũng có các tổ chức Đoàn - Hội SV, nơi đó có nhiều anh chị đi trước có nhiều kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống, nhiệt tình và rất đáng tin cậy. Các bạn tân SV còn nhiều lạ lẫm nên tham gia các tổ chức Đoàn - Hội để giúp mình và giúp bạn".
Bình luận (0)