Lăng kính bạn đọc:

Tỉnh táo để tránh bẫy lừa đảo qua mạng

M.Giao
M.Giao
20/02/2024 06:15 GMT+7

Nhiều bạn đọc nhắc nhở nhau cần thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí, cơ quan chức năng và phải thật tỉnh táo để không mắc bẫy của bọn giả danh gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 18.2, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết đơn vị này phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) vừa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn qua không gian mạng.

Tỉnh táo để tránh bẫy lừa đảo qua mạng- Ảnh 1.

Nhóm nghi phạm lừa đảo bị bắt giữ

CÔNG AN CUNG CẤP

Qua điều tra ban đầu, công an xác định các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan, hoạt động lừa đảo thông qua công ty của nước ngoài. Băng nhóm này có 3 tuyến gồm D1, D2, D3.

D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa sim, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

Khi nạn nhân đã tin tưởng, rơi vào bẫy, nhóm này sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho nhóm D2 (tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an hoặc kiểm sát viên của Viện kiểm sát) thông báo cho nạn nhân việc giấy tờ tùy thân của họ đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của nạn nhân.

Sau khi biết nạn nhân đã dính bẫy, nhóm này yêu cầu khai báo thông tin về tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) để "cơ quan chức năng" xác minh.

Thông tin về tài sản của nạn nhân sau đó được chuyển cho D3 (kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây) và bọn chúng yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.

Cuối cùng, kẻ cầm đầu yêu cầu nạn nhân rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng chúng chỉ định để chiếm đoạt.

Sau một thời gian điều tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ 32 nghi phạm trong đường dây này. Tại cơ quan công an, các nghi phạm khai đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỉ đồng.

Thường xuyên cập nhật thông tin để cảnh giác

"Rất cảm ơn các anh công an đã phối hợp chặt chẽ, triệt phá thành công băng nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn qua không gian mạng. Bọn lừa đảo ngày càng hoạt động táo tợn, thủ đoạn tinh vi, không dễ gì phát hiện ngay… nên nhiều người đã sập bẫy. Tôi có kinh nghiệm là phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ báo chí, cơ quan công an, phải biết để cảnh giác. Bọn lừa đảo giờ muôn hình vạn trạng, mình mù mờ thông tin là dính bẫy ngay", bạn đọc (BĐ) Van Hung Nguyen chia sẻ.

Cùng ý kiến, BĐ Trịnh Cường cho biết thêm: "Rất nhiều người ghi nhận, đánh giá cao việc cơ quan công an vào cuộc theo dõi, bắt giữ bọn lừa đảo này. Đề nghị cơ quan chức năng truy xét tận gốc và nghiêm trị. Bản thân mình cũng rất nhiều lần nhận được các cuộc gọi hù dọa kiểu này".

"Báo chí đã thông tin rất nhiều về những chiêu trò lừa đảo qua mạng. Hãy bớt chút thời giờ đọc để biết mà bảo vệ mình và người thân", BĐ Y.Linh góp ý.

'Mình đàng hoàng thì đâu có gì phải sợ ?'

Bên cạnh việc theo dõi thông tin từ báo chí và cơ quan chức năng, nhiều BĐ cho rằng bản thân cũng cần hết sức tỉnh táo, suy nghĩ kỹ, để không bị mắc bẫy bọn lừa đảo. BĐ Trịnh Thục Vũ kể: "Bọn này gọi tôi cả chục lần, giọng nói rất hình sự. Chúng hù tôi là tôi buôn bán ma túy, phát tán tin phản động, giả mạo giấy tờ gì đó... Mỗi lần bọn chúng gọi, tôi vờ lo sợ, cho chúng thực hiện hết bước 1, rồi nói để báo công an địa phương rồi sẽ liên hệ lại chúng. Chúng chửi thề rồi cúp máy. Tôi thắc mắc là bọn chúng dùng sim rác để hoạt động phải không ?".

Cùng chia sẻ, BĐ Banglang Tim cho biết: "Nếu mình không làm mà chúng nói mình làm thì mình cũng phải nghĩ kỹ đã chứ. Bọn này định lừa mình nhiều lần rồi nhưng làm sao mà lừa được". BĐ Sang cũng đặt câu hỏi: "Tôi thắc mắc: Nếu mình không có tật thì tại sao lại giật mình với bọn này ?".

Đồng tình với ý kiến trên, BĐ Xuan Bach kể: "Bạn cần phải tỉnh táo để không bị lừa. Mình đàng hoàng thì đâu có gì phải sợ? Có lần tôi nhận được cuộc gọi nói rằng số điện thoại của tôi nợ cước quá nhiều, nếu không thanh toán gấp thì sẽ bị khóa 2 chiều, mất số điện thoại luôn. Mới nghe là biết lừa đảo, vì tôi xài điện thoại trả trước, có muốn nợ cước cũng không nợ được. Hơn nữa, chiêu lừa này báo chí đã từng cảnh báo rồi, tôi đã từng đọc qua. Khi đó, tôi nói: "Cứ khóa 2 chiều đi em. Khóa liền nhe!". Đầu dây bên kia bỗng chưng hửng, rồi cúp máy".

Biết bao nhiêu gia đình, người thân khốn khổ với vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng. Cần những bản án thích đáng cho bọn chúng.

Lam Liễu

Bọn tội phạm này tồn tại trong xã hội là rất nguy hiểm. Cần tăng khung hình phạt để răn đe.

Hung Nguyen


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.