Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã nêu rõ các cửa hàng cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc men và nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, tại một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng người dân mang can đi mua xăng dầu về tích trữ.
Có người mua xăng dầu vì tin đồn “xăng dầu giảm giá vài ngày rồi tăng lên”, nhưng cũng có người mua xăng vì sợ cây xăng đóng cửa. Khi nhân viên không bán xăng cho những người mang chai lọ đựng thì một số trường hợp mua xăng đầy bình rồi về nhà hút ra tích trữ, như chia sẻ của ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tại cuộc họp mới đây.
Xăng dầu để trong nhà như những quả “bom” nổ chậm. Đến lúc đó, không chỉ gia chủ gặp họa mà còn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng. Nhiều bài học xương máu, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng đã xảy ra tại nhiều địa phương khi “bà hỏa thức giấc” từ những can xăng để trong góc nhà, xó bếp.
Giá xăng dầu tăng giảm theo cơ chế thị trường nên về mặt kinh tế. Việc mua xăng dầu về tích trữ chỉ mang tính chất ngắn hạn, chụp giật nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ từ quá trình hút xăng, bảo quản xăng. Còn nếu vì sợ cây xăng đóng cửa thì càng vô lý, bởi thông báo của Chính phủ và các tỉnh, thành phố đều khẳng định cửa hàng xăng dầu luôn mở cửa trong quãng thời gian từ ngày 1 - 15.4.
Ở TP.HCM chưa có tình trạng người dân xếp hàng mua xăng về tích trữ như một vài địa phương khác, nhưng chiêu trò mua xăng đầy bình về nhà hút ra tích trữ phải được chấm dứt để chặn đứng nguy cơ hỏa hoạn trong các khu dân cư.
Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện, phường, xã theo dõi chặt chẽ và xử lý những sự việc manh mún, đơn lẻ nhưng tiềm ẩn nhiều mối họa nêu trên. Nếu tuyên truyền, nhắc nhở mà người dân vẫn tiếp tục tích trữ xăng thì có lẽ chính quyền cũng nên có giải pháp mạnh tay hơn như xử phạt hành chính. Đừng để lực lượng phòng chống dịch Covid-19 bị phân tán bởi các “chiêu trò” không giống ai này.
Bình luận (0)