Tỉnh táo trước các 'quyền lực' trên thế giới ảo

16/04/2023 06:36 GMT+7

Mới đây, sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội, cô gái được mệnh danh là 'chiến thần' chuyên đánh giá (review) các quán ăn đã phải đăng đàn xin lỗi, thừa nhận việc bản thân 'review' các quán ăn là hoàn toàn sai.


Thực tế, việc đánh giá các nhà hàng không phải gần đây mới có, mà vốn đã tồn tại rất lâu. Điển hình là các chuyên gia phụ trách đánh giá sao Michelin dành cho các nhà hàng, đầu bếp. Nhưng để đảm nhiệm công việc này, các chuyên gia cần có kỹ năng, kiến thức ở trình độ cao và làm việc dựa trên hệ thống tiêu chuẩn. Kèm theo đó là một quy trình kiểm tra chặt chẽ của tổ chức uy tín.

Trong khi đó, song hành sự bùng nổ của mạng xã hội những năm gần đây, hàng loạt TikToker, Facebooker, YouTuber... trẻ tuổi, nổi lên với những danh xưng như "chiến thần", "sát thủ"… chuyên review các nhà hàng, quán ăn. Quá trình "thăng tiến" của họ đều có một công thức chung, là làm nội dung trên mạng xã hội để thu hút lượng theo dõi lớn, rồi nhanh chóng trở thành "quyền lực". Trong đó, không ít nội dung được làm chủ yếu để "câu view".

Nhiều bạn trẻ trong số này ngày càng huyễn hoặc, ảo tưởng vào quyền lực của bản thân, hành xử theo cảm hứng, rồi kiếm tiền bằng cách quảng cáo trá hình cho các quán ăn. Trong khi đó, năng lực đánh giá, nhận định thực sự rất đáng bàn, như người viết từng xem một "chiến thần" khen tặng một nhà hàng độc đáo đậm phong cách Trung Hoa, dù hệ thống cửa trượt của nhà hàng này làm theo… kiểu Nhật Bản.

Thứ "quyền lực" này không chỉ tồn tại trong ngành ẩm thực mà lan sang đủ loại sản phẩm, dịch vụ. Nhiều TikToker, Facebooker… được gọi là người có ảnh hưởng (KOL) trên thế giới ảo vì hợp đồng quảng cáo mà "nói lấy được". Như có KOL vốn xuất thân từ một diễn đàn công nghệ thì quảng cáo một loại máy lọc không khí với khẳng định chắc nịch sản phẩm này diệt cả SARS-CoV-2 và được chứng nhận bởi cơ quan chức năng. Trong thực tế, cái "chứng nhận" chỉ là kết quả thử nghiệm có điều kiện và khá đơn giản được thực hiện bởi một phòng thí nghiệm của một trường đại học ở Hy Lạp. Gần đây, KOL này còn thường xuyên ca tụng những sản phẩm công nghệ dạng OEM có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập về bởi các "tay buôn" bán trôi nổi trên mạng xã hội.

Hay một số KOL về công nghệ mới đây ngây ngô đến mức đăng đàn khen tặng phiên bản mới của một dòng smartphone cao cấp có chụp hình zoom quang học đến 10x, trong khi chính thế hệ trước của dòng máy này ra đời trước đó 1 năm cũng đạt zoom quang học 10x khi chụp hình.

Từ những thực tế trên, mỗi chúng ta thực sự rất nên bình tĩnh để tránh rơi vào bẫy thông tin của nhiều TikToker, Facebooker… vốn bị ràng buộc bởi các hợp đồng quảng cáo. Đừng để đi đến những quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ một cách sai lầm do bị cuốn hút bằng những thứ quyền lực như vậy trên thế giới ảo.

Đối với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn cũng cần ứng xử bình tĩnh và sòng phẳng khi bị chê bai bởi những "chiến thần". Tất nhiên, trước những ý kiến góp ý, chê bai thì cơ sở kinh doanh vẫn nên tự kiểm tra và đừng ngần ngại nhận lỗi, sửa chữa. Tuy vậy, nếu bị đánh giá sai dẫn đến bị thiệt hại, cơ sở kinh doanh vẫn có thể nhờ đến pháp luật để tố cáo các hành vi vu khống hay khởi kiện bồi thường thiệt hại. Hiện nay, hệ thống pháp luật có đầy đủ các điều khoản để xử lý các hành vi như vậy nhằm bảo vệ những người làm ăn chân chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.