Phải có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn, trừng phạt đối tượng lừa đảo
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (Tập đoàn Thiên Long) cũng đã có đơn gởi đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an TP.HCM báo cáo việc thời gian gần đây Tập đoàn Thiên Long liên tục nhận được thông tin phản ánh từ các cá nhân bị lừa đảo dưới hình thức đặt cọc nhận hàng gia công, tham gia các chương trình do Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo đăng tin tuyển dụng công việc gia công lắp ráp bút bi tại nhà. Khi cá nhân liên hệ, đối tượng tự xưng là nhân viên của Tập đoàn Thiên Long, cam kết gửi hàng cho cá nhân để gia công và không thu phí vận chuyển. Tuy nhiên yêu cầu cá nhân tham gia chương trình tương tác gồm nhiều cấp bậc.
"Ở những cấp bậc ban đầu, cá nhân không phải đóng phí, tham gia và được chuyển tiền hoa hồng ngay sau khi tương tác. Tuy nhiên tại các bước sau, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển khoản để hưởng khoản hoa hồng. Khi số tiền chuyển cho đối tượng đủ lớn thì đối tượng biến mất, không tiếp tục tương tác, hoặc yêu cầu chuyển số tiền cao hơn, nếu không gửi bổ sung sẽ mất toàn bộ số tiền đã chuyển khoản", báo cáo nêu.
Theo Tập đoàn Thiên Long, thực tế này đã tồn tại từ nhiều năm, tuy nhiên thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng với giá trị lừa đảo cao.
Vì lẽ đó, Tập đoàn Thiên Long đưa ra cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ bản thân, cũng như kiến nghị cần có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn, trừng phạt đối tượng lừa đảo, nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng lừa đảo.
Theo Tập đoàn Thiên Long, chiêu lừa đảo tuyển dụng mạo danh đã tồn tại từ nhiều năm, tuy nhiên thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng với giá trị lừa đảo cao
CHỤP MÀN HÌNH
Vào đầu tháng 7, Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) cũng đăng tải cảnh báo lừa đảo tuyển dụng. Đại diện của doanh nghiệp này cho biết hiện nay có một nhóm đối tượng mạo danh nhân viên tuyển dụng của công ty nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu tìm kiếm công việc.
"Nhóm đối tượng này đã tạo website giả mạo với tên miền www.samcovietnam.com và yêu cầu trao đổi thông qua ứng dụng Lotus Chat", đại diện Samco, cho biết và nói thêm: "Chúng tôi đề nghị các cá nhân và tổ chức chấm dứt hành động mạo danh Tổng Công ty để lừa đảo, đồng thời đã chuyển sự việc tới cơ quan chức năng để bảo vệ khách hàng, người dân đã tin tưởng và ủng hộ tổng công ty".
Vào tháng 5, Tập đoàn Masan cũng cảnh báo về hiện tượng mạo danh Masan để tuyển dụng cộng tác viên với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Phương thức lừa đảo rất tinh vi. Đối tượng sử dụng các tài khoản mạng xã hội với các chức danh như: Giám đốc Chi nhánh, Trưởng phòng Tài vụ, Nhân viên quyết toán…thậm chí có gắn với hình ảnh của lãnh đạo Masan và hướng dẫn cộng tác viên thực hiện nhiều nhiệm vụ như: theo dõi tài khoản trên ứng dụng B.L. hay đặt cược tài xỉu trong ứng dụng L. Cộng tác viên phải chuyển tiền “rót vốn” vào tài khoản cá nhân được chỉ định và nhận bản cam kết bảo hiểm đầu tư. Khi cộng tác viên không rút được số tiền đã “rót vốn” và hoa hồng theo cam kết, đối tượng tiếp tục yêu cầu cộng tác viên chuyển thêm phí “xác minh”, “phí nâng cấp tài khoản VIP”, “thuế thu nhập”, “mở khóa tài khoản” để có thể rút tiền. Tuy nhiên, sau khi các nộp tiền vào thì đối tượng tiếp tục khóa tài khoản để cộng tác viên không rút được tiền và chiếm đoạt số tiền này", đại diện Tập đoàn Masan cho biết.
Cần tỉnh táo trước lời mời chào trên mạng xã hội
Chiều qua 10.7, trên cổng thông tin điện tử của Công an TP.Hà Nội đã đăng tải cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng "Chiến sĩ nhí" cho Đài truyền hình Việt Nam để chiếm đoạt tiền.
Theo đó, lợi dụng nhu cầu tìm các khóa học, kỳ học, chương trình ngoại khóa cho con trong thời gian nghỉ hè năm 2023, trên mạng xã hội trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều fanpage “Chiến sĩ nhí”, “Chiến sĩ nhí năm 2023”, ….. đăng tải các nội dung như: tuyển các chiến sỹ tí hon cho chương trình Chúng tôi là chiến sĩ nhí - Đài Truyền hình Việt Nam VTV; Cần tuyển 500 mẫu nhí cho chương trình Chúng tôi là chiến sĩ nhí 2023 của Đài Truyền hình Việt Nam VTV thực hiện...
Để đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp cho phụ huynh mã ứng tuyển của bé và số điện thoại mạng Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt bậc phụ huynh truy cập vào Zalo đăng ký các thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram để thực hiện các nhiệm vụ.
Khi đăng nhập vào ứng dụng Telegram, các đối tượng sẽ yêu cầu các phụ huynh phải giúp bé vượt qua 2 vòng thử thách online để tuyển chọn hồ sơ thành công.
Tại vòng thử thách thứ 2, các đối tượng sẽ yêu cầu mời chào phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ để hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Trong nhóm, sẽ có nhiều ảnh phụ huynh chuyển tiền và nhận được hoa hồng như hứa hẹn tạo lòng tin. Khi phụ huynh chuyển tiền vào thực hiện các nhiệm vụ sẽ bị chiếm đoạt số tiền chuyển khoản.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với thông tin về các chương trình trên mạng xã hội. Cần tỉnh táo trước lời mời chào trên mạng xã hội, nhất là khi thực hiện các nhiệm vụ hưởng hoa hồng cao, đóng các khoản tiền nhất định.
Ông Chu Quang Huy, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT cho biết thời gian gần đây, Tập đoàn FPT và các Công ty thành viên (CTTV) đang bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo tuyển dụng, chiếm đoạt tài sản của các ứng viên với nhiều hình thức.
Theo ông Huy, từ cuối năm 2022 đã nhận được thông tin các đối tượng lừa đảo mạo danh FPT đăng thông báo tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, sau đó thu tiền của ứng viên và chiếm đoạt khoản tiền này. Tập đoàn đã đăng thông tin cảnh báo lên website FPT và các trang mạng xã hội của tập đoàn. Đến đầu tháng 4.2023, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng hình ảnh Tập đoàn FPT gồm để đăng thông tin tuyển dụng. Qua đó, các đối tượng lợi dụng lòng tin của các ứng viên đối với FPT để có các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những hình thức lừa đảo của các đối tượng này vô cùng tinh vi như: Hẹn gặp ứng viên ngay tại chân tòa nhà FPT Tower sau giờ hành chính để phỏng vấn; Nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm để mời ứng viên ứng tuyển; Gửi các đường dẫn (link_, hướng dẫn ứng viên đăng nhập rồi nạp tiền làm nhiệm vụ... Thậm chí, có những đối tượng còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các Công ty thành viên FPT để tăng thêm lòng tin cho các ứng viên tham gia phỏng vấn, đóng tiền trước khi đi làm…
Đại diện Tập đoàn FPT khẳng định: "Không thu tiền của bất kỳ ứng ứng viên nào khi ứng tuyển làm việc tại đây và khuyến cáo mọi người tìm hiểu kỹ quy trình tuyển dụng của FPT để tránh trường hợp bị lừa đảo".
Bình luận (0)