Tinh thần doanh nhân Việt - Kỳ 3: Tài năng và thiển cận

13/10/2011 01:51 GMT+7

Lược ghi trả lời của ông Nguyễn Trần Bạt, người lập công ty tư nhân đầu tiên của VN thời kỳ đổi mới, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group, tại buổi tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt". Tiếp theo Thanh Niên số ra ngày 12.10.2011.

>> Kỳ 2: Miền tự do

Đâu là tài năng thực sự?

Trong cuốn sách Đối thoại với tương lai ông có nhắc đến các khái niệm Tự do, Tự lập, Tự trọng. Theo ông doanh nhân Việt đã có được bao nhiêu chữ “tự” trong đó rồi?


Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT

Tự do là một khái niệm tự nhiên, có trước khi cả con người sinh ra. Tự do là của thượng đế, của trời đất, thuộc về tự nhiên. Không có nhà nước nào được gọi là tiến bộ nếu tẩy chay khái niệm này. Nhưng Tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Tự do bên trong mình, ý nghĩ của mình thì muốn nghĩ gì thì nghĩ. Nhưng hành động thì phải chiếu cố đến quyền ấy, quyền tự nhiên của người khác. Cái đó tạo nên nhà nước. Sự không giẫm đạp lên các quyền (tương tự) của nhau là bản chất triết học của nhà nước. Không nghĩ ra được điều ấy thì không có đủ tư tưởng để xây dựng nhà nước.

Hai là Tự lập, đây là một phẩm hạnh. Muốn làm người phải tự lập. Và nếu không tự lập thì lãng phí Tự do.

Tự trọng là một thái độ đạo đức. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa Tự trọng và Tự ái. Tự ái mang lại các sự khúc mắc có chất lượng bất hạnh. Tự trọng thì không, Tự trọng nuốt vào bên trong tạo ra ý chí cho con người.

Đấy là 3 khái niệm cũng bắt đầu bằng chữ “tự” nhưng là 3 phạm trù khác nhau của đời sống. Việc phân biệt là rất cần thiết để minh bạch trong nhận thức. Còn trong đời sống người nào có ba phẩm chất ấy các bạn chỉ cần nhìn vào mặt là biết ngay thôi.

Họ là người tài?

Có thể nói tùy định nghĩa người tài là như thế nào. Tài năng là khái niệm nhân tạo và mọi người đều định nghĩa cả. Ở nước ta vài chục năm trước đây khi bầu chọn giáo sư thì có cả bà bếp trưởng tham gia bỏ phiếu cơ mà. Thầy của tôi, GS Đỗ Quốc Sam, GS Đặng Hữu khi được lựa chọn làm giáo sư thì trong hội đồng bỏ phiếu có cả người nấu bếp của khoa. Tôi đã dự những cuộc bỏ phiếu như thế.

Tùy quan niệm, định nghĩa đòi hỏi mà chúng ta có định nghĩa tài năng là như thế nào. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng tài năng là cái phải đi tìm nó. Đem quyền lợi, tiền bạc ra nhử rất nhiều kẻ bất tài chạy đến, còn người tài chạy xa. Các bạn cứ đo độ xoay mình của véc-tơ của một con người trước quyền lợi, các bạn sẽ thấy được đâu là tài năng thật sự.


Các doanh nhân VN trong một cuộc hội thảo - Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nhân và thể chế

Thời điểm cuối những năm 90 thế kỷ trước, đất nước ta hết sức khó khăn và cũng từ đó có những bước chuyển đổi và tạo ra một thế hệ những doanh nhân như ông. Hoàn cảnh hiện tại của VN hiện nay cũng đầy những khó khăn. Theo ông liệu đây có phải thời điểm thích hợp để sản sinh ra một thế hệ doanh nhân mới với những tinh thần doanh nhân mới hay không?

Đây là một câu hỏi rất thông minh. Rất có thể là như thế. Và tôi đang nghĩ sự bế tắc của thời điểm chúng ta đang sống đây không chỉ ra đời một thế hệ doanh nhân mới mà rất có thể còn ra đời những thế hệ mới khác. Báo hiệu một sự xoay chuyển, một sự đổi mới khác của đất nước theo hướng tích cực.

Thời điểm lập nghiệp của thế hệ doanh nhân hiện nay khác nhiều với thời kỳ của ông. Vậy theo ông các doanh nhân cần xây dựng lòng tin với thể chế như thế nào?

Tôi chưa bao giờ đặt lòng tin vào bất cứ thể chế nào. Cho nên nói doanh nhân cần phải xây dựng lòng tin vào thể chế như thế nào là không đúng. Doanh nhân tin vào sức mạnh của mình để vượt qua bất cứ sự cản trở nào của thể chế. Đấy là bản lĩnh của kinh doanh. Không nên xét nghiệm bản lĩnh của doanh nhân dựa vào thái độ của nó với thể chế mà phải xem nghệ thuật của nó vượt qua trở ngại từ các thể chế như thế nào. Mọi tiến bộ trên thế giới đều là kết quả của nghệ thuật ấy.

''Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường'' - Doanh nhân NGUYỄN TRẦN BẠT

Xin hỏi ông có cách gì để doanh nhân tự khích lệ mình và những người xung quanh khi mất tinh thần?

Nỗi buồn hằng ngày của một con người đối với công việc của mình, với con cái, gia đình là chuyện xuất hiện thường xuyên. Vì thế không nên nhầm lẫn sự lo lắng mang tính bản năng của một con người với sự lo lắng có tính chất xã hội, chính trị. Lo lắng những tác động tiêu cực của thể chế đến công cuộc kinh doanh của mình là việc phải làm hằng ngày của các nhà kinh doanh. Có lần tôi đến nói chuyện ở Trường Đảng Nghệ An. Có một anh đứng lên nói với tôi rằng “Tôi đến nghe chuyện kinh doanh mà từ sáng đến giờ ông toàn nói chuyện chính trị. Lần sau biết thế này tôi sẽ không đến nghe ông nữa. Ông cảm thấy điều đó thế nào?”. Tôi trả lời, anh vừa gọi tôi là doanh nhân thành đạt, vậy tôi xin nhắc anh là một doanh nhân thì không bao giờ bỏ về khi nghe chuyện chính trị. Anh nghiên cứu thể chế như một điều kiện biên của kinh tế. Anh hiểu nó và trong chừng mực nào đó có tác động tích cực đến sự “nở ra” của nó, từ lượng đến chất tạo ra tính chất cách mạng.

Chín chắn, tinh khôn và thiển cận

Các anh có nói dường như lớp doanh nhân trẻ ngày nay rất thực dụng với việc kinh doanh mà ít có sự có say mê trong kinh doanh. Tôi không đồng ý vì cho rằng lớp trẻ vẫn có say mê. Nhưng chỉ có say mê thì chưa đủ, làm thế nào để có thể kinh doanh khi mà họ không có những điều kiện khác, ví dụ như vốn...

Trong một buổi nói chuyện ở ĐH Tài chính, một bạn sinh viên nữ có hỏi tôi là chúng cháu khi đi xin việc đến đâu cũng bị đòi phải có 2 năm kinh nghiệm, vậy chúng cháu phải làm thế nào. Tôi có nói thế thì đừng xin việc ở những chỗ như vậy nữa. Không có kẻ dại nào khi lấy vợ lại đòi vợ mình có 2 năm kinh nghiệm cả. Cứ làm đi. Tôi có quen một người bạn, là giáo sư đại học hẳn hoi. Anh ta định kinh doanh và có nói với tôi là đã chuẩn bị thế này, thế kia. Nhưng sau nhiều năm không thấy kinh doanh gì. Sau đó anh ấy có đến gặp tôi và muốn thảo luận thêm với tôi về việc kinh doanh. Tôi bảo anh ấy, này cậu, cậu như một kẻ leo núi, đã có đủ tất cả, có giày, có dây, có móc. Mỗi tội là cậu không chịu leo. Kinh doanh là một cuộc leo núi, bắt đầu bằng niềm say mê. Những thứ còn lại như phương tiện, vốn liếng, kinh nghiệm... các bạn sẽ nhặt dọc đường.

Vấn đề là phải xây dựng cho được teamwork của mình và hạt nhân đầu tiên chính là ý đồ của mình. Sự chín chắn của kẻ bắt đầu là ở ý đồ. Sự tinh khôn của kẻ bắt đầu là biết nhặt dọc đường những thứ mình gặp. Chín chắn là biết giấu bớt những lợi tức mình nhặt được dọc đường để phòng những lúc khó khăn. Tôi thấy một nhược điểm rất rõ của một số doanh nhân hiện nay đó là tiêu hoang một cách vô lối nhằm thị uy với xã hội về sự kiếm được của mình. Đó là biểu hiện quan trọng nhất của sự thiển cận.

Nguyên Phong
(lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.