Tinh thần doanh nhân Việt - Kỳ 4: Doanh nhân làm ngoại giao

16/10/2011 01:04 GMT+7

Hơn một nửa lãnh sự danh dự của 24 cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam chính là người Việt Nam, và hầu hết là doanh nhân. Tinh thần doanh nhân Việt - Kỳ 3: Tài năng và thiển cận

 

Với lợi thế làm kinh tế, các nhà ngoại giao doanh nhân đã làm tốt vai trò cầu nối của mình - Ảnh: Ngọc Thắng

Xúc tiến thương mại

Luật sư Phùng Anh Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư VCI) năm 2008 được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM. Ông Tuấn đồng thời là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Lãnh sự danh dự ở TP.HCM, cho biết: Các lãnh sự danh dự có vai trò chung là xúc tiến, trao đổi thương mại, văn hóa giữa hai quốc gia; làm người đại diện của quốc gia đó trên địa bàn; giúp đỡ công dân khi gặp khó khăn… “Là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu u tại Việt Nam, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp Phần Lan, từ đó phát triển mối quan hệ tốt với Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội. Trước năm 2008, phía Phần Lan muốn mở văn phòng lãnh sự ở TP.HCM và nhờ tôi giới thiệu giúp vài người Việt làm lãnh sự danh dự. Tuy nhiên, cuối cùng Đại sứ quán Phần Lan lại chọn tôi”, ông Tuấn nói về cơ duyên làm ngoại giao của mình.

“Văn phòng lãnh sự Slovakia tại TP.HCM đã hợp tác dịch một tập thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương qua tiếng Slovakia. Chúng tôi cũng đã phối hợp đưa ẩm thực Slovakia giới thiệu ở Việt Nam và xúc tiến xuất khẩu nông sản vào thị trường Slovakia. Người Slovakia ở TP.HCM không nhiều, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn gặp sự cố về giấy tờ và tìm đến văn phòng lãnh sự để được hỗ trợ. Thường thì họ rất bất ngờ khi thấy các nhân viên lãnh sự người Việt Nam nói rất tốt tiếng Slovakia và giúp đỡ họ nhiệt tình”, ông Hồ Huy, Lãnh sự danh dự Slovakia tại TP.HCM.
Theo ông Tuấn, sự có mặt của văn phòng lãnh sự Phần Lan ở thành phố đông dân nhất Việt Nam đã giúp quốc gia chỉ 5,5 triệu dân này chuyển tải được nhiều thông tin hơn đến chính quyền TP.HCM. “Phần Lan là quốc gia phát triển mạnh những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, nổi tiếng với những doanh nghiệp chế tạo máy, luyện kim, chế biến gỗ… Nhiều doanh nghiệp trong số này đã có mặt ở Việt Nam, chẳng hạn Nokia. Mặc dù số lượng doanh nghiệp Phần Lan đầu tư ở Việt Nam không đông, chỉ 60 - 70 công ty, nhưng đều là các doanh nghiệp lớn. Sắp tới đây sẽ có nhiều công ty vừa và nhỏ của Phần Lan vào Việt Nam, trong điều kiện môi trường đầu tư phải được cải thiện hơn nữa, nhất là tháo gỡ nút thắt cơ sở hạ tầng”, ông Tuấn cho hay. Ông Tuấn cũng nhiều lần làm diễn giả tại các diễn đàn kinh tế Phần Lan - Việt Nam để kêu gọi doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào Việt Nam và đã gặt hái được những kết quả bước đầu.

Với lợi thế làm kinh tế, am hiểu môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế, các nhà ngoại giao doanh nhân đã làm tốt vai trò cầu nối của mình. Văn phòng lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM do bà Đỗ Thị Kim Liên đứng đầu đã hỗ trợ Công ty gỗ Trường Thành đào tạo nghề cho 21 kỹ sư và 300 công nhân Nam Phi mà Trường Thành có liên doanh; đưa đoàn doanh nhân và quan chức Nam Phi tới TP.HCM tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư… “Một tỉ phú người Nam Phi đang muốn đầu tư chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đã đưa các doanh nhân trong lĩnh vực chế biến gạo của tỉnh An Giang, TP.HCM qua Nam Phi và sắp tới đây sẽ thông qua Công ty Mê Kông Food xúc tiến xuất khẩu gạo vào nước này”, bà Liên chia sẻ.

Còn bà Trần Uyên Phương ngay sau khi nhận chức lãnh sự danh dự Sudan mới đây đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh trao đổi thương mại giữa hai nước. Theo bà Phương, GDP của Sudan đạt hơn 90 tỉ USD/năm; thu nhập bình quân đầu người là 2.200 USD/năm. Đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, tiếc là thị trường này đang được các công ty của Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia trong khối Ả Rập khai thác. Lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, đồ nội thất… của Việt Nam vẫn được nhiều công ty nước ngoài mua để xuất khẩu vào Sudan. Đó là lý do, sắp tới Lãnh sự quán Sudan tại TP.HCM sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Sudan kết nối thương mại, đầu tư.

Không tư lợi

Có thể kể tên những doanh nhân nổi tiếng làm ngoại giao: ông Hồ Huy của taxi Mai Linh làm lãnh sự danh dự cho Slovakia; chủ hệ thống nhà hàng Hoa Viên Ngô Hồng Chuyên đại diện cho Cộng hòa Czech; bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA, là lãnh sự danh dự của Nam Phi… Gần đây, ông Trần Kim Chung, CT HĐQT Tập đoàn C.T, đại diện cho Bồ Đào Nha; bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát làm lãnh sự danh dự Cộng hòa Sudan; CT HĐQT Imperial Group Huỳnh Trung Nam đại diện cho Malta. Tại Hà Nội, cũng có nhiều doanh nhân làm lãnh sự danh dự như ông Lê Văn Nghĩa (Uzbekistan); ông Vũ Đình Luyện (Ukraine)… Một số nước khác như Philippines, Cộng hòa Palau (chỉ hơn 20.000 dân, gần Papua New Guinea), Romania, Mông Cổ, Hungary... cũng có lãnh sự danh dự là người Việt.

Cho đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người nước ngoài cũng đã nhận nhiệm vụ làm lãnh sự danh dự cho Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2010, Việt Nam mở hai văn phòng lãnh sự tại Nhật Bản và đều do hai người Nhật làm lãnh sự danh dự, đó là ông Yukihisa Hirano, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sân bay quốc tế miền Trung, làm lãnh sự danh dự ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và ông Taro Nakajima, Chủ tịch Công ty Than Kushiro, làm lãnh sự danh dự ở thành phố biển Kushiro (tỉnh Hokkaido); bà Sandra Scagliotti làm lãnh sự danh dự cho Việt Nam tại thành phố Torino (Ý); ông Koo Cha-yol, Tổng giám đốc Công ty LS Cable, làm lãnh sự danh dự của Việt Nam tại khu vực Kyonggi - Incheon (Hàn Quốc) và ông Park Soo Kwan làm lãnh sự danh dự tại thành phố Busan - tỉnh Kyongnam…

Theo Bộ Ngoại giao, hình thức lãnh sự danh dự đã được công nhận trong Công ước Vienna từ năm 1963 về quan hệ lãnh sự và đang được nhiều quốc gia sử dụng. Lãnh sự danh dự không phải là công chức nhà nước của bất cứ quốc gia nào, không nhận lương, được nước cử ủy nhiệm và nước sở tại chấp thuận thực hiện các chức năng lãnh sự nhưng vẫn có thể tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp riêng. Đặc biệt, cũng giống những nhà ngoại giao khác, lãnh sự danh dự được hưởng một số quyền ưu đãi miễn trừ.

Ông Phùng Anh Tuấn cho rằng, lý do ông nhận làm lãnh sự danh dự Phần Lan là vì công việc phù hợp với hoạt động hiện tại của mình. Thừa nhận vị trí lãnh sự danh dự mang đến cho ông cơ hội trong quan hệ quốc tế, kết nối với nhiều giới, tiếp xúc với nhiều bạn bè; nhận được sự tôn trọng của chính quyền; là đối tượng được bảo vệ… “Còn các đặc quyền đặc lợi khác đối với tôi không đáng kể và đó cũng không phải là mục đích của tôi”, ông Tuấn khẳng định.

Đề cập đến việc làm lãnh sự danh dự có thể mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, bà Liên cho rằng nếu làm tốt vị trí này chắc chắn sẽ khiến uy tín của bà và công ty tăng lên. “Từ nhỏ tôi đã thích trở thành một nhà ngoại giao nên bây giờ có thể nói tôi đang được sống với chính mình. Cơ hội từ vị trí này, đối với tôi là được mở rộng tầm nhìn, có thêm kiến thức, hiểu thêm về một đất nước, học hỏi được các phong cách ứng xử trong ngoại giao… để hỗ trợ cho công việc kinh doanh. Chứ tôi chưa hề đòi hỏi ưu đãi, mà làm bằng chính đam mê của mình vì đó là lòng tự nguyện”, bà Liên tâm sự. Bà cũng nhấn mạnh, đến nay bà vẫn đi xe biển số trắng của công ty, không phải xe biển số ngoại giao mặc dù có quyền được như vậy; vẫn dùng hộ chiếu Việt Nam…

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.