Tinh thần đột phá và chất trí tuệ của Bình Định

25/01/2024 08:00 GMT+7

Quy hoạch Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14.12.2023) được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới, không gian phát triển mới và tạo ra xung lực mới để tỉnh này đột phá, tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.

TP.Quy Nhơn đang được xây dựng, phát triển thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ. ẢNH: DŨNG NHÂN

TP.Quy Nhơn đang được xây dựng, phát triển thành trung tâm văn hóa phía nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ

ẢNH: DŨNG NHÂN

Theo quy hoạch, tỉnh Bình Định hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Đến năm 2050, Bình Định thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Tây nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây…

Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa phải) trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho lãnh đạo tỉnh Bình Định. ẢNH: DŨNG PHÚC

Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa phải) trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho lãnh đạo tỉnh Bình Định

ẢNH: DŨNG PHÚC

5 trụ cột

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, quy hoạch tỉnh Bình Định xác định 5 trụ cột và 3 khâu đột phá. Trong các trụ cột phát triển, ưu tiên hàng đầu là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Tỉnh Bình Định ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…

Trụ cột thứ hai, du lịch sẽ được phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định, đưa tỉnh này thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng, như: du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định... với điểm nhấn là "Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á".

Trụ cột thứ ba là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối.

Thứ tư, tập trung phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh.

Trụ cột thứ năm là phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học; Phát triển, mở rộng TP.Quy Nhơn về phía đông bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm và sẽ xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ.

Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng trung tâm hành chính cấp tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội. ẢNH: DŨNG NHÂN

Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng trung tâm hành chính cấp tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội

ẢNH: DŨNG NHÂN

Và 3 khâu đột phá

Về đột phá phát triển, ưu tiên hàng đầu là xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng ở khu vực này, hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng, kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng được tỉnh Bình Định đầu tư khá nhanh và hoàn chỉnh, đồng bộ với các trục đường hướng bắc - nam: cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam và đường ven biển cùng hệ thống đường kết nối đông - tây đã và đang được đầu tư hoàn thiện. Trong đó, ưu tiên triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Sân bay Phù Cát được quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 có công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; đến năm 2050 có công suất 7 triệu hành khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm...

Khu vực được quy hoạch Khu Đô thị khoa học Quy Hòa. ẢNH: DŨNG NHÂN

Khu vực được quy hoạch Khu Đô thị khoa học Quy Hòa

ẢNH: DŨNG NHÂN

Tỉnh Bình Định cũng nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa; khu bến Nhơn Hội. Đồng thời, nghiên cứu định hướng điều chỉnh tách bến cảng Phù Mỹ thành 2 khu bến, bao gồm khu bến Phù Mỹ tại xã Mỹ An, Mỹ Thọ (H.Phù Mỹ) và khu bến Hoài Nhơn tại TX.Hoài Nhơn.

Đột phá thứ hai là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Đột phá thứ ba là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Tăng cường hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trí tuệ nhân tạo (AI).

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định đầu tư một dự án đô thị và du lịch. ẢNH: DŨNG PHÚC

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định đầu tư một dự án đô thị và du lịch

ẢNH: DŨNG PHÚC

Lựa chọn ưu tiên khác thường

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng không phải là tình cờ, cũng không hề là khoa trương khi mục tiêu xuyên suốt báo cáo quy hoạch Bình Định là xây dựng Bình Định thành "điểm đến tầm cỡ thế giới - hàng đầu khu vực". Điểm đặc sắc, sự khác biệt, cũng có thể nói là khác thường của Bình Định thể hiện rõ nhất chính là ở cách lựa chọn ưu tiên. Cách chọn các tọa độ đột phá của Bình Định như: VSIP, Sân bay Phù Cát vươn tầm quốc tế; phát triển vùng cảng Phù Mỹ thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ chuỗi năng lượng tái tạo (điện gió) - logistics; đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku liên kết sức mạnh với Tây nguyên, trong thế cộng hưởng sức mạnh với các tuyến cao tốc ven biển, với thành phố cảng biển - du lịch Quy Nhơn... mở ra thế phát triển đột biến vượt tầm, trên nền tảng liên kết hiện đại, nhờ đó vẫn bảo đảm tính khả thi.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Bình Định là "đất võ", với truyền thống Tây Sơn oanh liệt. Thế mạnh lịch sử - văn hóa của Bình Định đang được khơi dậy, làm mới và phát huy thành lợi thế cạnh tranh. Điều khác thường ở chỗ Bình Định chọn cho mình mục tiêu trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo quốc gia, tầm cỡ quốc tế. Bình Định chọn cho mình logic tiến vượt, hợp xu thế thời đại, để trở thành xứ sở không chỉ đẹp, giỏi võ mà còn thông minh - sáng tạo. Định hướng quy hoạch Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, trung tâm trí tuệ nhân tạo, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cấp vùng… trên những nền tảng khoa học - công nghệ định hướng quốc tế đã được xác lập, cho thấy tầm nhìn phát triển mới và khác của Bình Định cũng như triển vọng - tính khả thi của định hướng lựa chọn.

Tỉnh Bình Định sẽ phát triển các đô thị du lịch dọc theo tuyến đường ven biển. ẢNH: DŨNG NHÂN

Tỉnh Bình Định sẽ phát triển các đô thị du lịch dọc theo tuyến đường ven biển

ẢNH: DŨNG NHÂN

3 yếu tố quyết định sự phát triển của Bình Định

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, để quy hoạch thành hiện thực cần rất nhiều việc phải làm, trong đó có 3 yếu tố quyết định, gồm: sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng vượt qua thách thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Định; sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành; đặc biệt là phải biết cách huy động được nguồn lực để đảm bảo thực hiện quy hoạch.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định lộ trình triển khai cụ thể, chi tiết, nhất là những nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Đồng thời, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Tỉnh Bình Định cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền; công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội và cũng là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi quy hoạch.

"Chúng tôi sẽ tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là về cơ chế và nguồn lực triển khai quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư", ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh. Cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, ý chí, khát vọng không ngừng vươn lên của người Bình Định, tôi tin tưởng rằng Bình Định sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn: Bình Định đang được xây dựng thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng. Bình Định sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả Khu đô thị khoa học Quy Hòa và sẽ hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên, các viện nghiên cứu vật lý, thiên văn học theo chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ. Đồng thời, phát huy vai trò của Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo ở TP.Quy Nhơn trong việc tăng cường đổi mới sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp…








Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.